Sinh viên Vàng A Mẻ, lớp K55 Đại học Nông học, Khoa Nông - Lâm, Trường Đại học Tây Bắc, là người đã đoạt giải nhất Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” toàn quốc năm 2016 với Đề tài “Điều tra thành phần loài cây thuốc bản địa và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông tại xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”.
Anh Vàng A Mẻ nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ấn tượng đầu tiên tôi gặp Mẻ là ánh mắt sáng, thông minh, dáng người nhanh nhẹn. Qua câu chuyện với tôi, Mẻ chia sẻ: Bố mẹ em có 9 người con, em là con thứ ba của gia đình. Được sinh ra và lớn lên ở xã Đứa Mòn, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, chứng kiến cuộc sống vất vả của người dân nơi đây, em luôn tâm niệm phải học thật giỏi để làm gương cho các em trong học tập, rồi khi ra trường có việc làm ổn định, giúp bố mẹ xây dựng cuộc sống ấm no hơn.
Không ngừng nỗ lực, vươn lên trong học tập, năm 2014, Mẻ thi đỗ vào Khoa Nông - Lâm, Trường Đại học Tây Bắc, trong quá trình theo học tại trường, được các thầy cô truyền đạt kiến thức, Mẻ nhận thấy giá trị của các cây thuốc quý ở nơi mình sinh ra và lớn lên. Nhưng hiện nay, nguồn tài nguyên cây thuốc đang bị cạn kiệt dần do tập quán phá rừng đốt nương, làm rẫy. Bên cạnh đó, nhiều thương lái đến thu mua những loài cây dược liệu quý nên số lượng những loài cây thuốc bị giảm sút nhanh chóng, nhiều loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Trăn trở làm cách nào để bảo tồn và phát huy được giá trị các loại cây thuốc quý, năm 2015, Vàng A Mẻ quyết định thực hiện Đề tài khoa học “Điều tra thành phần loài cây thuốc bản địa và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông, tại xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài, Mẻ nói: Do khoảng cách từ trường tới điểm thực địa là xã Đứa Mòn dài 150 km, nên mỗi lần di chuyển đi thực địa em gặp không ít khó khăn. Hơn nữa, do tập quán sinh sống người dân làm nhà ở trên những quả đồi cách xa nhau, nên việc tìm gặp và thu thập thông tin về các loại cây dược liệu mất rất nhiều thời gian. Có hôm trời mưa, em phải đi bộ qua mấy quả đồi với đường đất trơn trượt, lầy lội, đến nơi gặp ông thầy lang, thì lại không thể hỏi được thông tin vì họ nghĩ em đi học kinh nghiệm để về mở hiệu bán thuốc. Khi đó, em phải ngồi cả ngày ở nhà thầy lang, trò chuyện để họ hiểu em chỉ là một sinh viên muốn tìm hiểu, ghi chép lại thông tin về các loại cây thuốc nhằm mục đích bảo tồn thì họ mới đồng ý chia sẻ các bài thuốc gia truyền. Trong 2 năm nghiên cứu, tìm hiểu, đề tài của em đã xác định được 112 loài cây thuốc thuộc 108 chi được xếp trong 63 họ, thuộc 3 ngành; đưa ra những tác dụng của các loài cây thuốc chưa được tư liệu hóa, các loài cây thuốc quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt, từ đó đề xuất các biện pháp bảo tồn các loài cây thuốc và nguồn tri thức bản địa cho cộng đồng dân cư tại khu vực nghiên cứu.
Trao đổi với Tiến sỹ Vũ Thị Liên, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc, giáo viên trực tiếp hướng dẫn Mẻ nghiên cứu, thực hiện đề tài, cô cho biết: Mẻ là sinh viên hiền lành và chịu khó, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng em luôn có tinh thần vượt khó trong học tập, chăm chỉ, nhiệt tình giúp đỡ bạn bè. Ngay từ năm học thứ nhất, Mẻ đã chủ động đến nhờ tôi giúp nghiên cứu khoa học. Trong thời gian đó, tôi luôn đồng hành cùng em để hoàn thành mục tiêu đề tài đặt ra. Niềm vui đến với cô và trò, tháng 1/2017 vừa qua, đề tài của em đoạt giải Nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” toàn quốc.
Để ghi nhận những cống hiến trong nghiên cứu khoa học của Vàng A Mẻ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tặng Bằng khen về thành tích đoạt Giải Nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc.
Nói về dự định tương lai, Vàng A Mẻ cho biết: Em sẽ tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, thu thập thêm nhiều hơn những kinh nghiệm sử dụng cây thuốc quý để bảo tồn. Sau khi tốt nghiệp đại học, em sẽ trở về quê hương, hướng dẫn bà con cách sản xuất nông nghiệp mới, cách canh tác bền vững trên đất dốc để thoát nghèo, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ tài nguyên rừng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!