Triển khai hiệu quả các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) đang phát huy vai trò cầu nối chuyển giao kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mô hình trồng nho tại Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học và Công nghệ.
Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về nông, lâm nghiệp Mộc Châu thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tại tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông trường Mộc Châu có tổng diện tích 3,5 ha, với hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, gồm 4 phòng nuôi cấy mô, hệ thống nhà xưởng 2 tầng, 4 nhà lưới có giá cố định, 3 nhà lưới trồng cây, 1 nhà kính có giá di động. Hiện nay, tại khu nghiên cứu đã và đang triển khai nhiều mô hình nhân giống, trồng cây rau, hoa, quả chất lượng cao. Trong đó, mô hình trồng nho đen không hạt giống Cự Phong triển khai trồng thí điểm từ năm 2020, được đánh giá là mô hình thành công.
Kỹ sư Hoàng Đăng Ngọc, người trực tiếp triển khai thực hiện mô hình, cho biết: Nho Cự Phong bắt đầu đưa vào trồng từ tháng 6/2020 trong khung lợp màng quy mô 800 m², với tổng số 288 cây. Mô hình đã tiếp nhận chuyển giao quy trình trồng, chăm sóc từ Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp, thuộc Trường đại học Nông - Lâm, tỉnh Bắc Giang. Kết quả, giống nho Cự Phong phù hợp với khí hậu, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ sống đạt 100%. Sau hơn 1 năm trồng, cây nho đã cho thu hoạch, quả to, thơm ngọt, năng suất năm đầu đạt 3,2 tấn/ha/vụ. Hiện, cây nho đã vào vụ quả mới, tỷ lệ đậu quả cao, quả to đều. Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc để chuyển giao kỹ thuật trồng cho người dân trong thời gian tới.
Ngoài ra, mô hình trồng thử nghiệm cúc hoa vàng làm nguồn dược liệu cũng là một trong những thành công của Trung tâm trong năm 2021. Mô hình đã tiếp nhận chuyển giao quy trình trồng thử nghiệm 14.000 cây tại thành phố Sơn La và 126.000 cây tại khu nghiên cứu, năng suất bước đầu đạt 1 tấn hoa khô/ha. Sản phẩm được sơ chế, đóng hộp và phân phối đến người tiêu dùng. Hiện, Trung tâm tiếp tục duy trì mô hình, hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng, chuẩn bị các điều kiện chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, là cơ sở cho việc phát triển sản xuất nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Anh Dũng, quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và Công nghệ, cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang phát triển, nhân rộng mô hình nho Hạ đen, cúc dược liệu, lan Hồ điệp. Chuẩn bị các điều kiện triển khai mô hình trồng thử nghiệm giống lan Hồ điệp mini và giống nho Mẫu đơn trong nhà màng. Sau đó, tổ chức khảo nghiệm để hoàn thiện quy trình kỹ thuật và chuyển giao vào thực tiễn sản xuất của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin: Cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai ứng dụng các giống cây trồng kỹ thuật, năng suất chất lượng cao vào thực tế, tháng 4 vừa qua, tỉnh đã khai trương điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại khu nghiên cứu. Đây sẽ là điểm thu hút du khách tham quan, tìm hiểu và mua các sản phẩm OCOP của tỉnh. Sở đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và Công nghệ chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HTX và đơn vị có sản phẩm OCOP chủ động nắm bắt cơ hội, thị hiếu người tiêu dùng, xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP trong nước và xuất khẩu.
Phát huy vai trò là cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học và Công nghệ đã và đang chủ động dịch chuyển và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo được uy tín cho ngành KH&CN.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!