Theo thống kê, năm 2017, diện tích trồng xoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.000 ha, tập trung tại một số huyện, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã với các giống xoài địa phương, như: xoài tròn, xoài hôi và giống mới, gồm: xoài Đài Loan, xoài Úc, xoài Thái Lan.
Nhóm nghiên cứu Đề tài kiểm tra sâu đục quả xoài tại xã Chiềng Pằn (Yên Châu).
Tuy nhiên, diện tích tăng cao, cùng với phương thức canh tác lạc hậu làm cho tình hình sâu bệnh gây hại ngày càng phát triển, gây thiệt hại cho các vùng trồng xoài. Để giúp bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh trên cây xoài, nhóm nghiên cứu Đề tài “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu đục quả xoài tỉnh Sơn La” do Tiến sĩ Vũ Quang Giảng làm chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ (Trường Đại học Tây Bắc) chủ trì, đã tiến hành nghiên cứu Đề tài và được Hội đồng nghiệm thu KH&CN cấp tỉnh đánh giá đạt yêu cầu.
Tiến sĩ Vũ Quang Giảng, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Qua 2 năm nghiên cứu, cho thấy, thành phần bệnh dịch hại xoài rất đa dạng, có 24 loài sâu, bệnh gây hại trên xoài ở tỉnh Sơn La, trong đó, có 3 loài sâu gây hại nặng là: Bọ vòi voi đục quả xoài, bắt đầu gây hại khi quả có đường kính 0,8-1,1 cm, thường nằm trong các kẽ nứt của thân cây và kẽ nứt của đất sau khi thu hoạch quả, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Pằn, xã Viêng Lán (huyện Yên Châu), Chiềng Khương (huyện Sông Mã), Mường Chùm, Tạ Bú (Mường La) và Thị trấn Thuận Châu. Sâu đục thân, cành thường xuất hiện đầu mỗi mùa mưa, đục đường hầm trong thân cây và cành cây. Ruồi đục quả xoài và sâu đục hạt xoài thường xuất hiện vào cuối vụ thu hoạch, chủ yếu xuất hiện ở các xã Chiềng Khương, Chiềng Cang (Sông Mã), xã Sặp Vạt (Yên Châu). Càng về cuối vụ, tỷ lệ gây hại của các loài sâu đục quả ngày càng cao. Ngoài ra, cây xoài còn bị một số bệnh gây hại, chủ yếu là bệnh thán thư, bệnh thối quả và bệnh phấn trắng.
Từ kết quả nghiên cứu các đặc điểm sinh học, sinh thái học, kết quả điều tra sự xuất hiện và biến động về mức độ gây hại của các loài sâu đục quả xoài tại tỉnh Sơn La, nhóm nghiên cứu Đề tài đã xây dựng quy trình phòng trừ 3 loài sâu hại chính là: Bọ vòi voi, ruồi đục quả xoài và sâu đục hạt xoài. Biện pháp phòng trừ gồm: tỉa cành, tạo tán và biện pháp thu dọn tàn dư trên vườn xoài có tác dụng làm giảm mức độ gây hại của các loài sâu đục quả xoài; thực hiện bao quả vào thời điểm quả xoài còn non và sử dụng thuốc Danitol S 50 EC, Victory 585 EC; Ches 50WG, Match 50EC, Angun 5WG phòng ngừa bọ vòi voi gây hại. Đồng thời, xây dựng mô hình thâm canh cải tạo vườn xoài bằng phương pháp đốn trẻ, đốn phục hồi cây xoài vào thời điểm cuối mùa thu 20/10 hoặc 15/11; ghép cành xoài vào thời điểm 5/9, cành ghép sinh trưởng tốt vừa phòng trừ sâu bệnh hiệu quả vừa nâng cao năng suất, chất lượng xoài.
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ, Trường Đại học Tây Bắc đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các lớp tập huấn giúp cán bộ xã, bản và các hộ dân hiểu biết về các loài sâu, bệnh hại xoài; các biện pháp phòng, trừ một số sâu bệnh chính hại xoài; cách pha, phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại xoài để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế của quả xoài, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Việc nghiên cứu Đề tài đã xác định được các loài sâu bệnh hại chính trên xoài, quy mô và mức độ gây hại của sâu đục quả xoài tại các vùng sinh thái khác nhau. Đánh giá được đặc điểm hình thái, tập tính sinh học, sinh thái, diễn biến số lượng, nơi cư trú của sâu đục quả xoài, làm cơ sở xây dựng quy trình phòng trừ sâu đục quả xoài, mô hình thâm canh cải tạo vườn xoài phù hợp với điều kiện canh tác tại tỉnh Sơn La, chuyển giao kỹ thuật cho người dân các vùng trồng xoài, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng xoài, xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường trong và ngoài nước.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!