Trường Tiểu học - THCS Long Hẹ (Thuận Châu) thuộc địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn... Dù vậy, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, mang lại môi trường giáo dục tốt nhất cho các em học sinh dân tộc ít người.
Giờ thể dục của học sinh Trường TH-THCS Long Hẹ.
Được xây dựng giữa trung tâm xã, Trường Tiểu học - THCS Long Hẹ nổi bật với nhà phòng học 2 tầng, khuôn viên rộng rãi; nhà trường hiện có 41 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 29 lớp (bậc tiểu học 19 lớp, 530 em, THCS 10 lớp, 388 em), điểm trường Chà Mạy có 3 lớp, 69 học sinh tiểu học. Nói về hoạt động dạy và học, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường chú trọng công tác khảo sát, phân loại giáo viên, phân công giáo viên cốt cán, giáo viên có chuyên môn vững giúp đỡ anh chị em còn hạn chế về chuyên môn về phương pháp dạy học, phương pháp quản lý học sinh; Ban Giám hiệu tăng cường dự giờ, thăm lớp, nắm bắt kỹ năng truyền đạt của giáo viên và khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh; quan tâm đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các thiết bị, đồ dùng, công nghệ trong giảng dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh; duy trì các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương cho học sinh noi theo”. Đặc biệt, thực hiện tốt mô hình nấu ăn bán trú gắn các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống; lồng ghép các nội dung giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương... vừa để các em yên tâm học tập, vừa hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng.
Tâm sự về nghề, thầy giáo Cà Văn Inh đã có thâm niên 17 năm dạy tại điểm trường Chả Mạy, bộc bạch: Để duy trì sĩ số học sinh, anh em chúng tôi sắp xếp thời gian đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh cho các em đi học, kể cả những thời điểm làm mùa hay khi giáp hạt. Anh chị em giáo viên chúng tôi hầu như ai cũng biết tiếng Mông để khi giảng dạy có thể giải thích thêm để các em hiểu sâu hơn. Ngoài ra, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, tích cực sử dụng hình ảnh minh họa để tạo hứng thú cho các em tiếp thu kiến thức.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà bán trú của nhà trường, thầy giáo Quách Đức Khiêm, Phó Hiệu trưởng giới thiệu: Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã, đặc biệt là Trung tâm Huấn luyện vận động viên thể thao đã ủng hộ nhà trường nhiều đồ dùng thiết yếu, như: Chăn, gối, màn, chiếu... tổng trị giá gần 60 triệu đồng. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng đã đóng góp gần 100 triệu đồng để làm 2 nhà bán trú, nâng tổng số phòng ở bán trú lên con số 14, đảm bảo đủ chỗ ở, sinh hoạt cho 645 học sinh bán trú (345 học sinh tiểu học, 300 học sinh THCS); các em không chỉ được chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, mà còn được dạy những kỹ năng sống cơ bản; mỗi lớp bố trí một khoảnh đất để các em trồng rau, sản phẩm được nhà trường mua lại để gây quỹ. Ngoài ra, mỗi bậc học bố trí 5 nhân viên nấu ăn cho học sinh, thực phẩm hợp đồng với các đơn vị đủ điều kiện cung ứng và đảm bảo nguồn gốc rõ ràng; nhân viên y tế có nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm và lưu mẫu thức ăn. Nhờ thực hiện tốt nấu ăn bán trú, bây giờ tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng không xảy ra, chất lượng học tập của các em cũng tốt hơn.
Được biết, năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh THCS xếp hạnh kiểm tốt, khá chiếm 96,7%; học lực khá, giỏi 48,9%; tỷ lệ học sinh bậc tiểu học hoàn thành nhiệm vụ học tập và rèn luyện 16,9%, hoàn thành tốt 67,1%; có 4 giáo viên được UBND huyện tặng Giấy khen; tập thể nhà trường nhiều năm liền đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến... Những nỗ lực và kết quả đó đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao, giúp các em học sinh vươn lên trong học tập, thực hiện ước mơ, hoài bão.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!