Tri thức trẻ gieo chữ nơi biên giới

Hằng ngày, trên những con đường đất gồ ghề, treo leo, bốn mùa sương trắng của những xã vùng cao, biên giới huyện Sốp Cộp, luôn có bóng dáng những trí thức trẻ Đoàn 326 Bộ CHQS tỉnh đến với lớp học đặc biệt: xóa mù chữ cho những học sinh ở nhiều lứa tuổi.

 

Nỗi khổ... không biết chữ

Năm nay đã gần 40 tuổi, nhưng với chị Vì Thị Thươi, dân tộc Thái, bản Lạnh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp và nhiều chị em khác trong bản vẫn chưa hết cái cảm giác “xấu hổ người ta”  khi không biết đọc, biết viết chữ phổ thông... Qua trò chuyện, các chị ở bản Lạnh chia sẻ: Khổ nhất, là khi có ai muốn xuống chợ huyện hay ra tỉnh bán con gà, con lợn, hay mua cây giống, lại phải nhờ người biết cái chữ đi cùng để giúp tính cộng, trừ, nhân, chia cho đúng giá. Lại có chuyện, có nhiều người bị kẻ xấu ở xa đến lợi dụng, nói không biết viết thì điểm chỉ vào giấy của họ là có tiền làm ăn, nên cũng nghe theo, sau này mới biết là bị lừa, vay nặng lãi, làm ra đến đâu cũng không đủ trả nợ. Nhưng, từ khi có lớp xóa mù chữ của các trí thức trẻ Đoàn 326 Bộ CHQS tỉnh mở trong bản, lại được các em, các cháu đến nhà vận động, có khi còn theo đi xuống chợ cùng bán rau, bán gà giúp, thì mới thấy cần phải học, nên chúng tôi quyết tâm học cho biết chữ. Nói chuyện với chúng tôi, chị Vì Thị Thươi bảo: Trước đây, chính quyền cũng làm mấy điểm trường cho trẻ em học, nhưng bản xa quá, đi lại khó khăn. Với lại, trước đây chưa hiểu cái tốt của biết chữ, nên ngại học lắm... Bây giờ được bộ đội giúp nên cũng tự viết được tên mình khi cần ký giấy tờ; biết đọc  sách, báo để học cách trồng trọt, chăn nuôi sao cho năng suất, hay đơn giản, nếu có phải đi bệnh viện cũng biết đọc cái chữ để đến cho đúng phòng khám...

Chuyện gieo chữ...

Sốp Cộp là huyện nghèo của tỉnh, việc phổ cập xóa mù chữ cho người dân, nhất là chị em phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn. Đây là trở ngại lớn trong việc giải bài toán đẩy nhanh tiến độ nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh của cấp ủy, chính quyền các cấp ở nơi đây. Theo Thượng tá Lương Bá Thịnh, Chính trị viên Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 Đoàn 326: Qua nắm bắt tình hình của địa phương, cùng với việc tham mưu cho Chỉ huy Đoàn, tổ chức các mô hình giúp người dân địa phương trong vùng dự án kinh tế quốc phòng Sông Mã, Sốp Cộp phát triển sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra là phải giảm tỷ lệ mù chữ trong người dân để nâng cao dân trí, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Cấp ủy, chỉ huy đội đã tiến hành khảo sát, tổ chức lực lượng thành các tổ từ hai đến ba đồng chí bám bản để dạy chữ cho người dân. Chủ yếu, tranh thủ giờ nghỉ của bà con vào buổi trưa hay buổi tối để vận động bà con đến nhà sinh hoạt cộng đồng của bản học chữ. Lúc đầu nhiều người cũng ngại, nhưng sau thấy hàng xóm biết đọc, biết viết, lại được sự tuyên truyền của bản, của xã, nên sĩ số lớp học ngày một tăng và mở rộng ra khắp địa bàn huyện, nơi nào có bộ đội Đoàn 326, nơi đó có lớp học xóa mù chữ. Nhất là, từ năm 2010, đơn vị được tăng cường lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, thì hiệu quả của hoạt động mở lớp càng được nâng lên.

Trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 326 hướng dẫn người dân tập viết trong lớp học xóa mù chữ.

Trí thức trẻ Phạm Thị Thanh Hương, quê Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Kế toán, được tuyển dụng tham gia dự án 174 của Bộ Quốc phòng, đến nay đã có gần 4 năm gắn bó với bà con vùng cao, biên giới trong vùng dự án của Đoàn 326, tâm sự với chúng tôi: Ngày mới lên, đường đi cứ hun hút núi cao, cheo leo vách đá, có lúc cũng băn khoăn. Nhưng rồi, hiểu rằng việc mình làm có lợi cho nhiều người và cũng là cơ hội để rèn luyện bản thân. Mặc dù không có nghiệp vụ sư phạm, lại bất đồng về ngôn ngữ, khi được phân công dạy học, tôi không thấy tự tin, nhưng quá trình vận động được bà con đến lớp, tôi cùng đồng đội học hỏi, tìm cách dạy sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Nhóm có 3 người thì cứ phải xen kẽ, người biết tiếng địa phương vào hỗ trợ phiên dịch còn người thì giảng bài. Dần dần, bà con biết nói tiếng phổ thông, rồi mới chuyển sang dạy chữ, dạy toán...

Cháy mãi niềm nhiệt huyết

Chẳng quản trời mưa hay nắng, ban ngày hay đêm tối, các trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 326 Bộ CHQS tỉnh với kiến thức được trang bị trên giảng đường cao đẳng, đại học, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã và đang miệt mài truyền “con” chữ đến với người dân để bà con biết đọc, biết viết, có thêm kiến thức tìm hiểu và áp dụng  khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ngô, cây lúa cho năng suất cao, để xóa cái nghèo. Theo Đại tá Bùi Như Thắng, Chính ủy Đoàn 326 Bộ CHQS tỉnh: Với sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ và các trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 326, từ năm 2010 đến nay, đã có gần 800 phụ nữ trong huyện Sốp Cộp thoát khỏi mù chữ. Đây là niềm vui của người học, của các trí thức trẻ và của cấp ủy, chính quyền địa phương, bởi đó là cách nâng cao dân trí hiệu quả nhất cho người dân nơi đây.

Hình ảnh những bà mẹ địu con sau lưng, những cụ bà, cụ ông say sưa tập đọc theo nét chữ của người thầy, người cô đáng tuổi con, tuổi cháu (những trí thức trẻ tình nguyện đoàn 326), càng tô thắm thêm phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ” nơi biên cương xa xôi.

Trung Hà (Bộ CHQS tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới