Trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số

Việc trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số rất quan trọng, quyết định lớn tới kết quả học tập của trẻ ở lớp một và những năm học tiếp theo. Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” triển khai ở huyện biên giới đã và đang đem lại hiệu quả rõ rệt.

 

Giờ dạy và học tiếng Việt tại Trường Mầm non Biên Cương Mường Sai, huyện Sông Mã.

 

Huyện Sông Mã có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Thái, Mông, Kinh, Xinh Mun, Khơ Mú, Kháng. Hiện tại, trên địa bàn huyện có 19 trường mầm non, 15 trường tiểu học. Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, thông tin: Thực hiện Đề án, Phòng GD&ĐT huyện đã lựa chọn, xây dựng mô hình điểm để nhân rộng tại các đơn vị trường mầm non trên địa bàn. Quá trình thực hiện, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tại các đơn vị trường mầm non.

Giai đoạn 2016-2020, huyện Sông Mã đã đầu tư cho 357 lớp mầm non các trang thiết bị phục vụ việc học và giảng dạy, như: Phần mềm tiếng Việt, tranh, ảnh, băng đĩa, tivi, máy chiếu, máy tính... Xây dựng “Góc tiếng Việt”, “Góc địa phương” tại các trường, các lớp mầm non... tạo môi trường để trẻ khám phá và trau dồi vốn tiếng Việt. Bên cạnh đó, đã tổ chức 9 hội nghị, 48 lớp tập huấn cho cán bộ, giáo viên về kỹ năng phát triển ngôn ngữ cho trẻ, nội dung chủ yếu về hướng dẫn tổ chức các hoạt động vui chơi, lao động, giúp trẻ phát triển các kỹ năng và tăng cường phát triển ngôn ngữ. Đổi mới phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm trong giáo dục phát triển về ngôn ngữ. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện còn chỉ đạo các giáo viên phối hợp với các gia đình, khuyến khích phụ huynh thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt để dần hình thành thói quen sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày.

Trường mầm non Biên Cương Mường Sai (xã Mường Sai) là một trong những đơn vị thực hiện sáng tạo và hiệu quả Đề án. Cô giáo Nguyễn Thị Thu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Với hơn 96% số trẻ là dân tộc thiểu số, lại chưa biết tiếng Việt nên dẫn đến việc tiếp thu kiến thức thụ động và nhanh quên. Nhà trường đã lồng ghép vào các buổi học của trẻ những trò chơi liên quan đến giao tiếp bằng tiếng Việt, giúp trẻ được luyện nói, luyện nghe, thực hành hỏi - đáp tiếng Việt. Nhà trường thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động, như: Khám phá khu vườn, tham quan, tự giới thiệu bản thân, tạo cơ hội cho trẻ giao tiếp và mở rộng môi trường nói tiếng Việt, giúp trẻ tự tin.

Anh Lò Văn Hoàn có con học lớp mẫu giáo lớn, Trường mầm non Biên Cương Mường Sai, nói: Gia đình đã thực hiện theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, hằng ngày nói chuyện với con bằng tiếng Việt, cho con xem các chương trình tiếng phổ thông trên truyền hình. Nói tiếng Việt rành mạch các con sẽ tự tin hơn khi bước vào lớp 1.

Những nỗ lực trong việc thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, đã giúp cho chất lượng giáo dục các mặt thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội, thẩm mỹ của trẻ ở các trường mầm non trên địa bàn huyện Sông Mã đã được nâng lên. 100% trẻ em dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt đúng độ tuổi.

Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” ở huyện Sông Mã đã và đang đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Đức Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới