Thư viện sáng tạo ở một trường học

Hầu như các thư viện trường học hiện nay vẫn mang tính truyền thống, đó là các kệ sách, là bàn đọc với không gian nhỏ hẹp. Nhưng ở Trường tiểu học và THCS Mường Bằng, xã Mường Bằng (Mai Sơn) lại xây dựng được một thư viện sáng tạo có tính ứng dụng cao, trở thành điểm đến yêu thích của học sinh trong giờ nghỉ giải lao, hoặc khi tan trường để đọc sách, tra cứu, nâng cao kiến thức.

Học sinh đọc sách tại thư viện xanh điểm trường tiểu học 2, Trường Tiểu học và THCS Mường Bằng (Mai Sơn)

Trong dịp trở lại điểm trường tiểu học 2, bản Nà Hoi, xã Mường Bằng, chúng tôi nhận thấy, không gian thư viện được thiết kế đẹp mắt, sắp xếp khoa học, ngăn nắp, sách được đặt trên kệ mở vừa tầm với độ tuổi học sinh tiểu học; trang thiết bị được sắp xếp hợp lý để học sinh dễ dàng di chuyển chọn sách và vật phẩm giáo dục. Điểm nhấn là, sách được phân loại bằng bảng màu, dán mã màu tương ứng với từng loại sách và theo các khối lớp khác nhau, điều đó giúp học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc và tự lấy được sách. Đơn cử như: Các em học sinh lớp 1 có thể nhanh chóng tìm và chọn được những cuốn truyện cổ tích trên giá sách được đánh dấu bằng mã màu xanh lá cây; học sinh khối 3, 4, 5 thuận tiện khi chọn các loại sách tham khảo ở khu vực sách đánh dấu bằng mã màu vàng... Khi mượn đọc xong, các em cũng dễ dàng tự trả sách về vị trí cũ. Để giúp các em làm quen với nội quy thư viện, nhà trường đã đặt các bảng phân loại mã màu tại các lớp học và chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em nhận biết bảng mã màu, phổ biến cách chọn sách, mượn trả và bảo quản sách.

Thư viện của điểm trường tiểu học 2, Trường Tiểu học và THCS Mường Bằng (Mai Sơn)

Cô giáo Hoàng Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Mô hình được xây dựng và triển khai tại điểm trường tiểu học 1 và 2. Do phần lớn học sinh tiểu học, nhất là khối lớp 1, 2 còn nhỏ tuổi, chưa quen với thư viện và việc tìm sách qua mã số, ký hiệu.  Phòng đọc của thư viện được thiết kế, bố trí các góc hoạt động khác nhau như: Góc Văn hóa địa phương, là không gian trưng bày các sản phẩm văn hóa đặc trưng của các dân tộc, các vùng miền; góc Thiên nhiên, với các loại hoa, cây xanh; góc Tra cứu với các loại từ điển, tài liệu tham khảo; góc Sáng tạo, nghệ thuật để học sinh vẽ lại nhân vật, hình ảnh mình thích trong quyển sách vừa đọc và trưng bày trên tấm bảng cho các bạn cùng thưởng thức; góc Viết để học sinh viết cảm nhận của mình về nội dung quyển sách, truyện dưới sự hướng dẫn của thầy cô, cán bộ phụ trách thư viện... Những góc sáng tạo này đã lôi cuốn học sinh tìm đến với thư viện nhiều hơn, khuyến khích các em tham gia các hoạt động tại thư viện, qua đó, tạo thói quen đọc sách và phát huy tính sáng tạo của học sinh.

Được biết, nhà trường còn tổ chức tiết đọc thư viện, trung bình mỗi lớp 1 tiết/tuần. Tại tiết đọc, giáo viên hướng dẫn, giúp học sinh phân vai, diễn lại các câu chuyện, qua đó cùng nhau tìm hiểu nội dung mỗi câu chuyện và học sinh phát biểu, ghi lại cảm nhận của mình. Hàng tuần, hàng tháng, nhà trường tổ chức cho giáo viên, học sinh bình chọn lớp thi đua và “sao đọc sách” để tuyên dương, khuyến khích học sinh các lớp hưởng ứng phong trào đọc sách và tham gia các hoạt động tại thư viện. Bên cạnh đó, nhà trường còn đầu tư xây dựng, thiết kế thư viện xanh và tủ thư viện ngoài trời, không gian gần gũi, thân thiện với thiên nhiên như gần các gốc cây, góc sân khu vực có ghế đá, vườn hoa... để các em học sinh thoải mái lựa chọn địa điểm đọc trong giờ giải lao, trước khi vào giờ học hay sau khi tan trường; thậm chí các phụ huynh học sinh khi đến chờ đón con cũng có thể ngồi đọc sách. Mỗi tủ sách ngoài trời được luân phiên giao cho các em học sinh bảo quản, quản lý hoạt động mượn, đọc, cất, trả sách. Các loại sách tại các tủ của thư viện xanh cũng đa dạng, từ sách, truyện, báo, tạp chí... và được thay đổi hàng tuần để tạo cảm giác mới mẻ, thu hút học sinh. Hiện nay, thư viện của điểm trường tiểu học 1 và 2 duy trì từ 10.000 - 12.000 cuốn sách, truyện, tạp chí, báo, sách tham khảo các loại. Ngoài ra, các điểm trường lẻ ở các bản xa trung tâm cũng đều có tủ sách đặt ở cuối lớp học.

 

 

Tủ sách ngoài trời của điểm trường tiểu học 1, Trường Tiểu học và THCS Mường Bằng (Mai Sơn).

Có thể thấy, hoạt động hiệu quả của mô hình thư viện tại Trường Tiểu học và THCS Mường Bằng đã góp phần tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, khuyến khích phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, từng bước hình thành và phát triển kỹ năng cho các em. Đồng thời, là “cầu nối” tri thức cho học sinh, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, không có nhiều điều kiện để đọc sách ở nhà. Những kết quả này đã khuyến khích các giáo viên trong nhà trường tiếp tục làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để xây dựng, nâng cấp thư viện tại các điểm trường, giúp thư viện hoạt động hiệu quả hơn, tạo cho học sinh môi trường đọc sách bổ ích, góp phần trang bị kiến thức cho các em.

Lê Hạnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới