Thi đua dạy tốt, học tốt ở trường vùng cao

Đứng chân trên địa bàn xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Thuận Châu, thời gian qua, thầy và trò Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Pá Lông luôn khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường TH - THCS Pá Lông (Thuận Châu) được đầu tư xây dựng khang trang.

Trường TH - THCS Pá Lông tại trung tâm xã Pá Lông (Thuận Châu) nổi bật với màu sơn vàng giữa màu xanh của núi rừng. Niềm nở tiếp chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Trường hiện có 18 lớp (10 lớp bậc TH và 8 lớp bậc THCS) với 570 học sinh, 31 cán bộ, giáo viên. 100% học sinh là người dân tộc Mông, đa số học sinh ở các bản xa trường, đường xá đi lại khó khăn, đời sống người dân còn thiếu thốn, ít quan tâm đến việc học hành của con em mình. Điều kiện dạy học và ăn, nghỉ của các giáo viên hạn chế nhiều mặt, song với lòng yêu nghề, các thầy, cô giáo luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học. Năm học 2018 - 2019, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98,9%, trường có 1 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 5 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, 46 học sinh giỏi, 131 học sinh tiên tiến.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ dạy và học, ngay từ đầu năm, nhà trường đã phát động phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”... tạo sức lan tỏa trong toàn trường, nâng cao ý thức tự giác tu dưỡng đạo đức, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và ý thức vươn lên học tập của học sinh. Nhà trường luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững vàng về chính trị, tư tưởng và giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; tranh thủ các nguồn đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các hoạt động chuyên môn. 100% cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, có ý thức tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp. Nhà trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tham dự các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức trao đổi về giáo án chung và thăm lớp, dự giờ rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà trường có nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ học sinh có học lực yếu, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khoá bổ ích, lý thú, tạo hứng thú cho học sinh đến trường, đến lớp. Nhờ đó, chất lượng giáo dục cũng từng bước được cải thiện theo từng năm.

Là người gắn bó gần 15 năm với mái Trường TH - THCS Pá Lông, cô giáo Hoàng Thị Oanh là tấm gương về yêu nghề, vì học sinh thân yêu. Cô giáo Oanh, chia sẻ: Toàn bộ học sinh của nhà trường là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng bù lại các em rất ngoan hiền, chăm học, tích cực tham gia hoạt động của lớp, trường. Để “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, chúng tôi tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học. Với môn văn và sử, mỗi tiết dạy, tôi đều lồng ghép kể mẩu chuyện về lịch sử, gương người tốt, việc tốt nhằm thu hút sự chú ý học tập của các em.

Đưa chúng tôi đi thăm khu bán trú của nhà trường, thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Bình, thông tin thêm: Năm học này, nhà trường tổ chức nấu ăn bán trú cho 458 em học sinh. Hàng tuần, nhà trường lên thực đơn bữa ăn cụ thể với các món ăn đầy đủ rau xanh, cá hoặc thịt, toàn bộ nguồn thực phẩm để phục vụ việc nấu ăn bán trú nhà trường đều ký hợp đồng với đơn vị cung ứng dưới thị trấn Thuận Châu, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ATTP. Ngoài việc chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, các thầy cô còn luôn quan tâm đến tâm tư, tình cảm của học sinh; thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao để các em vơi bớt nỗi nhớ nhà và giúp các em phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, trí tuệ.

Với quyết tâm, nỗ lực vượt khó của thầy và trò, tin tưởng rằng Trường TH - THCS Pá Lông sẽ là điểm sáng trong công tác giáo dục vùng cao ở Thuận Châu, từ mái trường này sẽ có nhiều thế hệ học sinh trưởng thành có tri thức, có nhân cách, đem những kiến thức đã học được để xây dựng quê hương, giúp vùng cao thoát đói nghèo.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới