Tập trung thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì và giữ vững; 12 huyện, thành phố; 204/204 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; cơ sở vật chất cho giáo dục được đầu tư xây dựng, mạng lưới trường lớp phủ đều đến các xã... Là những kết quả nổi bật sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/11/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn trên địa bàn tỉnh ta.

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Mường Chanh (Mai Sơn).

Thực hiện Chỉ thị số 10, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị quán triệt và chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức nghiên cứu, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện. Các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong toàn Đảng bộ, 100% chi bộ, đảng bộ cơ sở, tổ chức đoàn thể các cấp đã tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị. Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Điểm nổi bật, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư xây dựng, mạng lưới trường lớp từng bước hoàn thiện ở các cấp học, ngành học, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập. Chất lượng giáo dục, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên từng bước được nâng cao; công tác quản lý linh hoạt, hiệu quả, đặc biệt công tác xã hội hóa giáo dục đã thu hút đáng kể các nguồn lực hỗ trợ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 842 cơ sở giáo dục đào tạo với hơn 327 nghìn học sinh, sinh viên (263 trường mầm non, 289 trường tiểu học, 8 trường phổ thông cơ sở, 231 trường THCS, 32 trường THPT, 13 trung tâm giáo dục thường xuyên, kỹ thuật - hướng nghiệp - dạy nghề và 6 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp). Mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi hoàn thành vào cuối năm 2014 (sớm 1 năm so với kế hoạch đề ra). Công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS được quan tâm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS lên học THPT luôn duy trì trên 64%. Đối với học sinh THPT những năm 2014 trở về trước, tỷ lệ tốt nghiệp đăng ký dự thi đại học, cao đẳng chiếm tới 90%, 2 năm gần đây số học sinh đăng ký dự thi tuyển cao đẳng, đại học giảm (năm 2015 dưới 40%, năm 2016 chỉ gần 22%). Tuy số dự thi đại học, cao đẳng giảm nhưng tính cả số đăng ký xét tuyển (không thi tuyển) thì số học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký vào đại học, cao đẳng vẫn cao (năm 2015 trên 60% và số trúng tuyển khoảng 20%). Số học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề và trung cấp chuyên nghiệp chỉ khoảng 20%, còn lại tiếp tục ôn để năm sau thi tiếp. Việc tổ chức các lớp xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong việc vận động người chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù. 5 năm qua, toàn tỉnh đã mở 399 lớp xóa mù chữ cho 10.225 người (7.709 người là phụ nữ, trẻ em gái là người dân tộc thiểu số sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị vẫn còn những hạn chế đó là kết quả duy trì phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại một số đơn vị cấp xã chưa thật vững chắc, ảnh hưởng đến chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh; một số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con; công tác tư vấn hướng nghiệp trong trường phổ thông thực hiện chưa thường xuyên, đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác hướng nghiệp, dạy nghề chưa có nhiều kinh nghiệm; nội dung và hình thức tuyên truyền về hướng nghiệp chưa đa dạng, phong phú; thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, dạy nghề...

Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị, tỉnh ta tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng với công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, tạo điều kiện cho mọi trẻ em đều được thụ hưởng các dịch vụ giáo dục đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi và những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, thực hiện công bằng xã hội.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới