Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ gồm 5 bài thi, 3 bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) áp dụng đối với hệ giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý áp dụng đối với hệ giáo dục thường xuyên. Thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn là bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội.
Giờ ôn tập của học sinh lớp 12G, Trường THPT Chiềng Khương (Sông Mã).
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn hướng dẫn về việc tổ chức dạy học lớp 12 năm học 2017-2018 và ôn thi THPT quốc gia năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các trường THPT, các đơn vị trực thuộc, trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố tập trung cho học sinh khối 12 ôn tập, đảm bảo kỳ thi sắp tới đạt kết quả tốt.
Theo đó, các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá việc dạy và học theo Công văn số 1454/SGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018; Công văn số 1774/SGDĐT-GDTrH ngày 27/11/2017 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn kiểm tra học kỳ I cấp trung học năm học 2017-2018; hoàn thành chương trình giáo dục phù hợp với khung kế hoạch thời gian năm học; nghiêm cấm cắt xén chương trình; thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh từng học kỳ và cả năm học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; quản lý kết quả học tập của học sinh qua sổ điểm điện tử, học bạ điện tử...
Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, gồm: Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh học tập các văn bản hướng dẫn của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018; tuyên truyền, phổ biến quy chế để cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh nhận thức đúng những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Nội dung ôn tập bao gồm chương trình giáo dục lớp 11 và 12; tổ chức cho giáo viên và học sinh làm quen với định dạng của các đề thi trong quá trình dạy học và ôn tập; hướng dẫn học sinh cách phân tích đề thi, cách trình bày bài thi theo yêu cầu từng môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài, qua đó, xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp từng nhóm đối tượng, không gây quá tải, đảm bảo sức khỏe của học sinh...
Đối với nhóm đối tượng học sinh còn yếu, Ban giám hiệu các trường giao cho giáo viên xây dựng chương trình, nội dung ôn tập; tổ chuyên môn thẩm định trình hiệu trưởng phê duyệt; nội dung dạy là những kiến thức, kỹ năng đã được tinh giản phù hợp với nhận thức của học sinh; chú trọng rèn kỹ năng học sinh còn yếu trong từng tiết học, từng bước giúp học sinh đạt chuẩn kiến thức kỹ năng; phát huy vai trò của học sinh khá, giỏi để giúp đỡ học sinh còn yếu; kết hợp chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn theo dõi sát sao sự tiến bộ của từng học sinh; hướng dẫn học sinh phương pháp tự đánh giá; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ để đánh giá hiệu quả ôn tập và kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn tập (tối thiểu 1 lần/môn/tháng).
Điểm mới của đề thi THPT quốc gia năm nay sẽ có thêm nội dung chương trình lớp 11, chú trọng hơn tính phân hóa, nhằm giúp cho việc xét tuyển đại học, cao đẳng thuận lợi hơn. Vì thế, các trường cần thực hiện hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp, từ đó quyết định lựa chọn môn thi, khối thi để tổ chức ôn tập có chất lượng cao nhất; phân loại rõ nhóm học sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng để ôn tập và hướng dẫn tự học phù hợp. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường trung học phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX các huyện, thành phố thực hiện tốt việc giới thiệu, tuyên truyền đề thi minh họa Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; tổ chức cho mỗi giáo viên của từng môn học đề thi minh họa, tự giải đề thi, phân tích đề minh họa, chú trọng phân tích cấu trúc, ma trận đề, các chủ đề kiến thức, tỉ lệ % kiến thức trong chương trình lớp 11 và lớp 12; tổ chức thảo luận, phân tích và chữa từng câu cụ thể trong đề thi, chỉ rõ những sai sót, nhầm lẫn học sinh dễ mắc phải...
Với sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của giáo viên và học sinh các trường, công tác giảng dạy và ôn tập cho Kỳ thi THPT quốc gia của tỉnh đã và đang được các trường triển khai đảm bảo theo yêu cầu, kế hoạch của Bộ GD-ĐT và của Sở Giáo dục - Đào tạo đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!