Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên (GD&ĐT) luôn quan tâm tăng cường tiếng Việt cho học sinh bậc tiểu học, trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số bằng các hoạt động thiết thực, đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng thú, thu hút trẻ đến trường, giúp các em tự tin giao tiếp và tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Giờ kể chuyện của lớp mẫu giáo lớn, Trường Mầm non Họa Mi, xã Mường Khoa (Bắc Yên).
Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Yên, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có trên 95% số trẻ, học sinh là người dân tộc thiểu số đang theo học tại 42 trường học, trong đó 16 trường mầm non; 10 trường tiểu học; 10 trường THCS; 6 trường liên cấp. Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” của UBND tỉnh ban hành năm 2017, Phòng GD&ĐT huyện đã đẩy mạnh việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số về các phương pháp, kỹ năng dạy lớp có học sinh, trẻ mầm non là người dân tộc thiểu số. Yêu cầu các giáo viên phải xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phù hợp với đối tượng trẻ. Mặt khác, Phòng còn động viên khuyến khích giáo viên học tiếng dân tộc để có thể dễ dàng giao tiếp với trẻ, học sinh là người dân tộc thiểu số.
Để việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học, trẻ mầm non, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo triển khai Cuộc thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”; chỉ đạo các trường học xây dựng, tổ chức thực hiện chuyên đề “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số”, xây dựng các tiết học mẫu, trao đổi, chia sẻ về phương pháp tăng cường tiếng Việt; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi lớp, như: Giãn thời lượng trong môn Tiếng Việt lớp 1; tổ chức trò chơi học tập, hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, làm truyện tranh, cây từ vựng; sử dụng hiệu quả phương tiện hỗ trợ kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, thư viện thân thiện; tổ chức ngày hội văn hoá đọc, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em dành cho học sinh dân tộc thiểu số”..., thu hút học sinh tham gia học tập, vui chơi. Qua đó, phát huy năng lực, trí tuệ, tính tích cực của trẻ, học sinh cũng như nâng cao khả năng đọc, giao tiếp bằng tiếng Việt.
Trường Mầm non Họa Mi, xã Mường Khoa là một trong những trường học có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non đồng bào DTTS. Cô giáo Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi, cho biết: Với hơn 90% trẻ đang học tại trường là trẻ em DTTS, vốn tiếng Việt còn hạn chế nên thiếu tự tin trong giao tiếp, trong học tập, việc tiếp thu kiến thức thụ động và nhanh quên. Để tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, Nhà trường đã lồng ghép vào các buổi học của trẻ những trò chơi liên quan đến việc giao tiếp bằng tiếng Việt, giúp trẻ được luyện nói, luyện nghe, thực hành hỏi - đáp tiếng Việt. Ở mỗi giờ học, các giáo viên trong trường chuẩn bị các hình ảnh, tranh vẽ, mô hình minh họa cho nội dung của bài giảng. Tiết học được tổ chức xen kẽ với các trò chơi, thi đọc thơ, thi hát, kể chuyện bằng tiếng Việt; giáo viên luôn đặt ra các tình huống thực tế kích thích sự tò mò, khả năng tranh luận và phát biểu ý kiến của các em; theo dõi, lắng nghe phát âm của học sinh, phát hiện những lỗi sai và trực tiếp hướng dẫn các em phân biệt, nhận biết và sửa lỗi. Đồng thời, phối hợp với các bậc phụ huynh tăng cường việc giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt ở nhà để trẻ có thêm vốn từ và phát âm chuẩn tiếng Việt, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng nói và viết. Đặc biệt, nhà trường còn xây dựng thư viện thân thiện, khuyến khích, hướng dẫn cha mẹ đọc sách cùng các con, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt, đồng thời góp phần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ.
Chị Hà Thị Loa, bản Phố, xã Mường Khoa (Bắc Yên), cho hay: Trước đây, ở nhà bố mẹ hay nói tiếng dân tộc, nên ảnh hưởng khả năng nói tiếng phổ thông của con. Từ khi gửi con theo học tại Trường Mầm non Họa Mi, con tôi đã sửa được những lỗi cơ bản do thói quen, mạnh dạn hơn trong phát biểu ý kiến và trò chuyện với bạn bè, thầy cô. Mặt khác, các giáo viên còn hướng dẫn phụ huynh chúng tôi biết cách nói chuyện với con bằng tiếng dân tộc kết hợp với tiếng phổ thông; mỗi chiều đón con, tôi cũng dành 15-20 phút cùng đọc các mẩu truyện ở thư viện nhà trường, giúp con nói sõi tiếng phổ thông mà vẫn giữ được tiếng “mẹ đẻ” của mình.
Việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em mầm non vùng DTTS rất quan trọng, góp phần nâng cao khả năng, kỹ năng sử dụng tiếng Việt của trẻ, giúp trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, là tiền đề cho việc học tập, tiếp thu kiến thức của trẻ ở bậc học tiếp theo. Đồng thời, giúp các em giao tiếp tự tin, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!