Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các đơn vị trường học trực thuộc tận dụng "thời gian vàng” (thời điểm không có dịch Covid-19 tại địa bàn) để dạy học trực tiếp, đảm bảo tiến độ kế hoạch năm học đề ra.
Ngay sau khai giảng năm học mới 2021-2022, toàn tỉnh có trên 500 trường học, trên 371.000 học sinh các cấp bước vào học trực tiếp (trừ huyện Phù Yên thực hiện giãn cách phòng, chống Covid-19). Các trường đã xây dựng chi tiết kế hoạch năm học, môn học phù hợp với điều kiện có dịch như: Tận dụng tối đa "thời gian vàng" để dạy học trực tiếp các môn học chính khóa; gắn dạy lý thuyết với ôn tập, nhất là đối với học sinh cuối cấp; tạm dừng các hoạt động ngoại khóa.
Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp học tại Trường tiểu học thị trấn Sông Mã (Sông Mã).
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Bắt đầu từ ngày 13/9, ngành chỉ đạo các trường học tăng số buổi học/tuần tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp vừa truyền dạy kiến thức mới, chủ động ôn tập kỹ năng cho học sinh; các trường linh hoạt điều chỉnh phân phối chương trình theo hướng ưu tiên các nội dung kiến thức trọng tâm để phát huy hình thức dạy học trực tiếp trong thời gian học sinh được đến trường, sớm hoàn thành chương trình để có thời gian dự trữ trong năm học. Đồng thời, yêu cầu các trường học tổ chức các hoạt động dạy học đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý; chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, 48 đơn vị trường, hơn 31.900 học sinh trên địa bàn thành phố Sơn La đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh với các nội dung cốt lõi trong chương trình giáo dục. Phòng GD&ĐT Thành phố đã chỉ đạo các trường bố trí thời khóa biểu buổi sáng đủ 5 tiết; tận dụng thời gian dạy vào các buổi chiều (đảm bảo 2 buổi chiều/tuần, 3 tiết/buổi). Linh hoạt, xây dựng kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức; chú trọng dạy những nội dung cốt lõi; dạy lý thuyết trước…
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết: Toàn trường có 23 lớp, 1.008 học sinh, 48 cán bộ, quản lý giáo viên. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên về việc tận dụng tối đa khoảng thời gian học sinh được học trực tiếp tại trường, linh hoạt chương trình dạy học, Trường đã xây dựng kế hoạch tăng các tiết dạy trong buổi học sáng, tận dụng 2 buổi chiều/tuần dạy học chính khóa cho tất cả các khối trong toàn trường, tập trung vào các môn văn hóa, như: Toán, vật lý, sinh học, ngữ văn, lịch sử, địa lý, tiếng Anh. Chỉ đạo các tổ chuyên môn tập trung nghiên cứu giảng dạy, ưu tiên các bộ môn quan trọng, như: Lý thuyết, thực hành thí nghiệm.
Giờ học của cô và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố).
Qua 1 tuần triển khai, Trường THCS Lê Quý Đôn cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ các bậc phụ huynh trong việc chủ động phối hợp với giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, tạo điều kiện cho các em được học tập. Học sinh ở các khối lớp cũng không cảm thấy bị áp lực trong quá trình học tập. Em Bùi Tuệ Đan, học sinh lớp 9G, Trường THCS Lê Quý Đôn, tâm sự: Sau 1 tuần học tăng tiết vào buổi sáng và 2 buổi chiều/tuần, em đã được tiếp cận và làm quen nhanh với nhiều kiến thức mới. Em ôn tập, tìm hiểu đọc bài trước và làm bài tập đầy đủ ở nhà để tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Tại Trường tiểu học - THCS Mường Lựm, huyện Yên Châu, các hoạt động dạy học của nhà trường đã đi vào nền nếp, tỷ lệ học sinh đi học đạt 100%. Các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 cũng được nhà trường triển khai thực hiện nghiêm túc. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuyển, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường đã chỉ đạo dạy thêm 2 buổi chiều/tuần đối với 100% các lớp từ tiểu học đến THCS; các tổ chuyên môn xây dựng nội dung dạy học trong khung thời gian. Mục đích chính là đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo các chương trình, nội dung môn học. Các tổ, khối cũng đã lựa chọn xây dựng các nội dung giảm các hoạt động không cần thiết và tập trung vào các kiến thức kỹ năng cơ bản cho học sinh.
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học - THCS Mường Lựm (Yên Châu)
Tại lớp học 1A3, cô và trò đang bắt tay vào rèn kỹ năng nền nếp và luyện viết chữ cái theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chị Đinh Thị Hảo giáo viên chủ nhiệm lớp 1A3 nói: Học sinh độ tuổi còn nhỏ, nếu phải học online sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi phải tập trung rèn cho các em ôn lại chữ cái đã được học ở mầm non; hướng dẫn các em cách cầm bút, làm quen với bảng và tập viết các nét cơ bản.
Còn ở huyện Sông Mã, hiện có 53/53 đơn vị trường học tổ chức dạy học trực tiếp với tổng số hơn 43.900 học sinh. Các trường học triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thành lập tổ an toàn Covid-19; tổ chức vệ sinh khử khuẩn định kỳ, mở sổ theo dõi sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh; kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách đúng quy định; bố trí biển báo quy định phòng, chống dịch…
Học sinh ngồi học giữ khoảng cách phòng, chống dịch tại Trường tiểu học thị trấn Sông Mã (Sông Mã).
Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Mã, thông tin: Phòng GD&ĐT huyện đã hướng dẫn các trường mầm non tổ chức dạy học 2 tiết/ngày đối với tất cả các lớp (nếu đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ); trẻ mẫu giáo 5 tuổi lựa chọn dạy những nội dung cốt lõi, cần thiết (chú trọng phát triển nhận thức và ngôn ngữ). Đối với bậc Tiểu học và THCS, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với tất cả các lớp (nếu đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ); dạy tăng thêm ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần và tăng thời lượng đối với nội dung cốt lõi, giảm thời lượng đối với các nội dung học sinh có thể tự học khi được hướng dẫn.
Với quyết tâm đạt được mục tiêu kép của ngành, các nhà trường đang tận dụng "thời gian vàng" để giảng dạy ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm học 2021-2022. Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án giảng dạy theo hình thức online đối với vùng thuận lợi; xây dựng phương án cử giáo viên xuống bản dạy học theo nhóm học sinh đối với vùng khó khăn khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn có diễn biến phức tạp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!