Sự học ở vùng cao Sam Kha

Đầu năm học 2018-2019, chúng tôi có dịp đi cùng các thầy giáo, cô giáo lên các điểm trường khó khăn nhất của xã vùng cao Sam Kha (Sốp Cộp), để được chứng kiến và sẻ chia những khó khăn, gian khổ mà họ phải vượt qua khi mang con chữ đến với con em đồng bào dân tộc Mông.

 

Điểm trường mầm non bản Huổi Phô, xã Sam Kha (Sốp Cộp).

Tuyến đường đầu tiên chúng tôi phải vượt qua dài 12km, từ trung tâm xã lên đến điểm trường bản Huổi Phô. Con đường ngoằn ngoèo vắt ngang lưng núi với nhiều đoạn dốc “chồn vó ngựa”, những vực sâu hun hút. Những trận mưa lớn làm con đường vốn đã gập ghềnh nay lại càng khó đi bởi gần chục điểm sạt lở, ngập ngụa bùn đất, lô nhô đá hộc, sơ xảy là rơi xuống vực bất cứ lúc nào. Dẫn đường cho chúng tôi là các “chuyên gia vùng cao”: Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Sam Kha, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (Sam Kha), cán bộ phụ trách bậc học mầm non Phòng GD-ĐT huyện và một số giáo viên khác. Nhìn các thầy cô khéo léo điều khiển xe máy tránh những hòn đá, vượt bùn đất, lội qua mấy dòng suối sâu, chúng tôi hiểu họ thông thuộc địa bàn và có lòng yêu nghề, yêu trẻ đến thế nào. Sau hơn một giờ đồng hồ trồi lên, trượt xuống với con đường, rồi chúng tôi cũng đến được Huổi Phô, tiếng trẻ ê a học bài, cất lên từ những nhà lớp học tạm. Ở điểm trường này có 5 lớp tiểu học, 6 giáo viên, 96 học sinh (53 học sinh bán trú); 3 nhà tạm người dân dựng lên để làm nhà bán trú cho học sinh cách đây 3 năm; việc nấu ăn cho học sinh gặp nhiều khó khăn vì phải tiếp phẩm từ trung tâm huyện. Mỗi khi vào dạy, các thầy giáo, cô giáo phải tự mang theo thực phẩm để nấu ăn cho các em. Ở lớp mầm non, có 33 cháu tuổi từ 3-5, nhưng hôm nay chỉ 19 cháu có mặt, một phần vì trận mưa lớn đã làm trôi cây cầu bắc qua suối Nậm Tỉa, một phần do phụ huynh đưa các cháu đi làm nương chưa về, phải một vài ngày nữa lớp mới đầy đủ. Vì bản không có điện, các thầy giáo, cô giáo phải dùng máy điện nước, để có nước sinh hoạt, giáo viên phải tự tìm nguồn để dẫn nước về.

Trò chuyện với cô giáo mầm non Quàng Thị Doa, cô bảo: Nhà ở tận xã Púng Bánh, cách điểm trường gần 40 km, nên cuối tuần mới về nhà, tuần nào mưa thì phải ở lại. Khó khăn nhất trong dạy học là bất đồng ngôn ngữ. Ở nhà các cháu chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Mông, thế nên muốn truyền đạt kiến thức cho các cháu, phải học tiếng Mông. Cái khó nữa là cơ sở vật chất thiếu thốn, bàn ghế và đồ dùng học tập không đủ, đồ chơi ngoài trời sân chơi không có. Trước đây, việc học đều phải nhờ nhà dân. Năm ngoái nhà trường vận động dân bản dựng một nhà tạm cho các cháu học, nhưng bây giờ nhà đã xiêu vẹo, cứ mưa là dột. Cả bản có 43 hộ nhưng đều là hộ nghèo, rất may là việc vận động các cháu ra lớp không khó như vùng khác, bởi người dân ở tập trung một chỗ, lại đều mong muốn cho con cái được đến trường.

Tiếp tục hành trình đến điểm trường Huổi My, cách Huổi Phô chừng 6 cây số. Đường lên gập ghềnh và nguy hiểm hơn lên Huổi Phô nhiều. Đón chúng tôi là thầy giáo Mùa A Chư, nhà ở Mường Lạn, đã dạy ở đây hai năm. Năm học mới này, thầy được điều động sang địa bàn khác nhưng người dân đề nghị nhà trường cho thầy ở lại để dạy bọn trẻ. Thiếu giáo viên nên một mình thầy dạy 2 lớp ghép; học sinh lớp 1 và 2 được bố trí ngồi quay lưng vào nhau. Thầy Chư kể: Cứ vào đầu tháng 8, các giáo viên bắt đầu đi vận động phụ huynh cho các cháu ra lớp. Việc vận động trẻ ra lớp đều thuận lợi, tuy nhiên, điều khiến chúng tôi băn khoăn là cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu khu vực hoạt động ngoài trời, ở trường trung tâm có đồ dùng học tập cho các điểm nhưng mỗi lần giáo viên lên chỉ mang được vài thứ, chứ không thể chở hết một lúc được. Cũng như các bản khác, 55 hộ dân ở đây đều sống tập trung, duy chỉ có đường đến trường vẫn gặp khó. Nhà nào cũng nghèo cả, song ở đây ai cũng muốn cho con em mình được học hành đầy đủ. Ngay gần đó là lớp học mầm non, với 32 cháu 3 đến 5 tuổi. Khi chúng tôi bước vào lớp, các cháu đều đứng dậy lễ phép khoanh tay đồng thanh chào chúng tôi, tuy giọng còn ngọng nghịu nhưng như thế đã là thành công không nhỏ.

Chúng tôi tiếp tục lên điểm trường bản Sam Kha, cách trung tâm xã chỉ 6 km, điểm trường này có 51 học sinh mầm non, 50 học sinh tiểu học. Tuy gần trung tâm xã nhưng bản lại không có nước sinh hoạt, mỗi lần lên trường, các giáo viên chỉ mang được 2 lít nước để uống trong cả tuần, nước sinh hoạt thì các giáo viên chở ở khe suối cách đó gần 2km, mùa này chỉ có cách xách nước đi bộ ngược dốc. Cô giáo Quàng Thị Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca chia sẻ: Tuần nào Ban giám hiệu cũng tổ chức đi kiểm tra các điểm. Khó khăn còn nhiều, nhưng năm nào tỷ lệ vận động ra lớp cũng đạt 100% trẻ mẫu giáo. Riêng trẻ nhà trẻ chỉ vận động được hai bản gần trung tâm, những nơi khác chưa làm được, phần do thiếu giáo viên, phần do cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Cả xã chỉ có 2/8 bản có điện, nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc dạy và học. Tuy vất vả, khó khăn như vậy, nhưng nhà trường đã vận động mỗi giáo viên đỡ đầu một cháu mồ côi, hoàn cảnh khó khăn hoặc tàn tật. Năm ngoái, nhà trường đỡ đầu 20 cháu, năm nay 23 cháu được các cô giáo nhận đỡ đầu, riêng Hiệu trưởng nhận đỡ đầu 2 cháu. Hằng tháng, các cô đều trích tiền lương để mua đồ dùng học tập, quần áo, giầy dép... cho các cháu.

Một ngày cùng các thầy giáo cô giáo đi thăm các điểm trường, khó khăn, trở ngại là vậy, nhưng chúng tôi không hề thấy sự mệt mỏi hay nản chí ở mỗi giáo viên Sam Kha. Trong mắt họ luôn ánh lên niềm tin vào tương lai tươi sáng của các em, họ sẵn sàng chia sẻ, vượt mọi khó khăn, gian khổ để ươm những mầm xanh.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới