Sự học ở vùng cao Nậm Mằn

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến thăm điểm trường Huổi Khoang, xã Nậm Mằn (Sông Mã), trận mưa rào bất chợt đã khiến con đường lên với học sinh vùng cao trở nên trơn trượt, đầy bùn đất. Sau gần một giờ đồng hồ vượt 12 km đường rừng, lớp học bằng gỗ của những học sinh tiểu học hiện ra trong làn sương mù, tiếng trẻ học bài vang cả một góc bản.

 

Lớp học của cô giáo Vàng Thị Vượng học nhờ Nhà văn hóa của bản.

Đón chúng tôi là thầy giáo Vì Văn Hướng, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nậm Mằn. Gia đình thầy ở tận bản Nhà Sày, cách điểm trường 10 cây số đường rừng, năm nay đã 53 tuổi, với 33 năm công tác, chuyển về dạy ở điểm trường này cũng đã 10 năm. Chỉ cho chúng tôi đường dây điện lưới đã kéo về đầu bản, thầy bảo: Do nhà trường chưa có kinh phí để lắp đặt, nên việc thắp sáng và soạn bài đều phải nhờ đường điện từ nhà dân. Tuy nhiên do người dân nghèo nên tháng nào, chúng tôi cũng phải trả tiền điện cho cả họ nữa. Nước sinh hoạt phải dùng nước mó, hoặc nước giếng đi xin từ nhà dân. Mỗi lần về nhà, tôi lại mang thực phẩm lên dùng cho cả tuần. Điểm trường này có 3 lớp 1, 2 và 4 với 64 học sinh, do ít học sinh nên nhà trường phải chuyển 17 em lớp 3 về trung tâm học. Việc dạy học ở đây gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ biết tiếng phổ thông thấp, vì thế giáo viên ở đây phải học thêm tiếng Mông để việc truyền đạt kiến thức cho học sinh thuận lợi hơn.

Tìm hiểu được biết, bản Huổi Khoang có 72 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60%, cuộc sống chủ yếu dựa vào trồng lúa nương, do thời tiết khắc nghiệt nên việc chăn nuôi ở đây khó phát triển. Các hộ chia thành 4 nhóm nằm cách xa nhau, mỗi nhóm hộ cách trung tâm bản mấy quả núi, do đó việc đến từng nhà để vận động học sinh đến lớp đều gặp khó khăn. Hơn nữa, việc các cháu đến trường cũng là vấn đề nan giải bởi đường xa, rất khó đi. Đối với học sinh mầm non, phụ huynh thường phải đưa con họ đến lớp từ rất sớm, còn học sinh tiểu học chỉ có cách đi bộ vượt rừng đến lớp từ khi trời vẫn còn chưa sáng. Cô giáo mầm non Vàng Thị Vượng, dân tộc Thái, nhà tận xã Pá Ma Pha Khinh (Quỳnh Nhai), mới vào nghề và lên điểm trường này dạy năm 2017. Nhà xa nên cả năm, cô Vượng chỉ về thăm gia đình được 4 lần, chồng đi làm xa, việc nuôi con cái đều trông chờ vào ông bà nội. Cô Vượng bảo: Vì gia đình ở xa nên tôi ăn nghỉ ở điểm trường trung tâm, sáng nào cũng vậy, tôi phải dậy từ 4h30 để đến trường, nếu mưa thì phải đi sớm hơn; trưa không về, việc ăn ngủ đều phải nhờ nhà dân, tối mịt mới trở về điểm trường trung tâm. Trẻ con vùng này còn thiếu thốn nhiều thứ lắm, mỗi lần được về nhà, tôi đều gom quần áo cũ, giầy dép lên chia cho các cháu. Nhớ nhà, nhớ con lắm, nhưng vì tình yêu thương dành cho các em học sinh nơi đây, nên tôi luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn.

Cô giáo Hà Thị Sai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Mằn, thông tin: Trường có 7 điểm lẻ, điểm nào cũng khó khăn về đi lại và cơ sở vật chất. Riêng ở Huổi Khoang có 62 học sinh, chia làm 2 lớp, một lớp 38 cháu ghép 2 lứa tuổi 3 và 4, lớp còn lại là 5 tuổi. Điểm này mới được đầu tư xây một lớp học nhưng cũng chỉ đủ cho lớp ghép, lớp 5 tuổi vẫn phải mượn Nhà văn hóa của bản để học, mỗi lần bản họp hay có việc gì sử dụng Nhà văn hóa thì các cháu đều phải nghỉ học. Do phần lớn học sinh đều trong diện con em hộ nghèo, nên năm nào các giáo viên cũng phải quyên góp quần áo cho các cháu. Năm học này, chúng tôi cũng quyên góp được 100 bộ quần áo chia cho học sinh ở 7 điểm, năm ngoái quyên góp được 120 chiếc áo ấm, nhưng cũng không đủ cho học sinh ở các điểm. Hồi đầu năm học, ngoài việc xin hỗ trợ 30 đôi ủng, các giáo viên còn tự nguyện góp mua thêm gần 40 đôi để cho các cháu đi lại thuận tiện hơn trong mùa mưa. Đồ dùng học tập chỉ có ở trung tâm là đủ, còn lại giáo viên phải tự chế từ phế liệu. Do địa bàn giao thông đi lại khó khăn nên mỗi lần mưa lớn, đều phải cho các cháu nghỉ và bố trí học bù vào ngày khác. Cũng do nghèo nên phần lớn người dân nơi đây không có tiền để đóng học phí cho con em của họ, mặc dù chỉ 11 nghìn đồng/tháng nhưng nhiều hộ không nộp được, giáo viên lại nộp cho các cháu để duy trì sĩ số.

Khó khăn là vậy, nhưng những giáo viên nơi đây đã và đang vượt lên tất cả để mang con chữ đến với trẻ em vùng cao, với niềm tin giúp người dân nâng cao dân trí, mang kiến thức, tương lai đến với các em học sinh.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới