Sự học nơi vùng biên giới

Bây giờ ở huyện biên giới Sốp Cộp không còn cảnh các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà để vận động trẻ em đến lớp; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Trường lớp từng bước được kiên cố hóa, quy mô trường, lớp ở các cấp học được mở rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên.

Giờ học của thầy và trò Trường Tiểu học Sam Kha (Sốp Cộp).

Nhiều lần được cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Sốp Cộp đến thăm các thầy, cô giáo và các em học sinh tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, mới hiểu được sự quan tâm đến công tác giáo dục của Đảng bộ, chính quyền huyện. Đồng chí Đinh Thị Tuân, Bí thư Huyện ủy, chia sẻ: Những năm qua, Đảng bộ huyện luôn xác định giáo dục là mục tiêu hàng đầu. Do đó, huyện đã chỉ đạo phòng GD-ĐT huyện, các nhà trường, bám sát nội dung và chương trình giáo dục, đổi mới phương pháp sư phạm, nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, triển khai tốt các chương trình dự án, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, từng bước xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập.

Có thể khẳng định, sự nghiệp giáo dục ở Sốp Cộp đã có nhiều thay đổi đáng mừng. Năm học này, huyện có hơn 23.000 học sinh với 34 đơn vị trường học thuộc các bậc học. Toàn huyện có trên 570 phòng học, (hơn 63% số phòng kiên cố), trên 226 nhà công vụ giáo viên (54% số phòng kiên cố). Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tiếp tục được tăng cường; với hơn 1.000 cán bộ, giáo viên thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đến nay, 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ và được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS; 8 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1; duy trì nấu ăn tập trung tại 19 trường cho hơn 2.600 học sinh bán trú...

Để có được kết quả khả quan này là bao nỗ lực của các thầy giáo, cô giáo dù ở vùng thấp hay vùng sâu, vùng xa, biên giới, luôn giữ vững tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, như thầy giáo Lò Văn Thành đã “cắm bản” tại điểm trường Huổi Áng, xã Mường Lèo (Sốp Cộp) suốt 20 năm. Ở đây, 100% là đồng bào dân tộc Mông và được định danh nhiều cái “không” (không đường, không điện, không đất ruộng canh tác, không nước sạch). Thế nên tỷ lệ hộ nghèo cao cũng nhất xã, cuộc sống của bà con phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm nương rẫy. Thầy giáo Thành chia sẻ: Việc dạy chữ cho các em đòi hỏi ở người giáo viên sự kiên trì, nhẫn nại, tâm huyết và cần nhất là lòng yêu trẻ. Mừng nhất, các em học sinh ở đây ngoan ngoãn, ham học, yêu quý các thầy cô, dù là ngày mưa hay ngày nắng các em vẫn đi học đầy đủ. Đó là nguồn động lực để chúng tôi càng yêu nghề và động viên nhau cùng cố gắng bám trường, bám lớp, “ươm” những mầm xanh trên đỉnh núi cao này.

Còn tại xã Sam Kha, một xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp, thầy giáo Tòng Văn Dịn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sam Kha cho hay: Nhà trường hiện có hơn 500 học sinh, học tại điểm trường trung tâm và 6 điểm lẻ ở các bản. Trong số này, có 168 học sinh ở bán trú được tổ chức nấu ăn tập trung. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu quần áo ấm, thiếu giày dép, vật dụng, nhưng các em ngoan và hiếu học lắm, đây chính là động lực động viên 35 cán bộ, giáo viên nhà trường, dù phải xa gia đình, chấp nhận thử thách, khó khăn, đoàn kết cùng nhau tận tâm truyền dạy kiến thức cho các em học sinh. Những năm học qua, chất lượng giáo dục của nhà trường chuyển biến rất tích cực, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt trên 95%...

Dọc tuyến đường về biên giới, dưới những ngôi trường, bao lớp học trò vẫn cần mẫn luyện chữ, làm tính, đã tiếp thêm sức mạnh, lòng nhiệt huyết để các thầy cô cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đây.

 

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới