Xác định công tác giáo dục - đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, huyện Sốp Cộp đã chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học... Nhờ vậy, 15 năm trở lại đây, sự nghiệp “trồng người” trên địa bàn huyện đã đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Trường Mầm non Sơn Ca, xã Sam Kha (Sốp Cộp) được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang.
Những ngày đầu thành lập, Sốp Cộp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giao thông đến các điểm trường lẻ. Thời điểm đó, toàn huyện chỉ có 14 đơn vị trường học, 367 nhóm, lớp và 9.037 học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu trầm trọng... Với quyết tâm đưa ngành giáo dục - đào tạo của huyện vượt lên, phát triển khá so với các địa phương trong tỉnh, Sốp Cộp tập trung chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong tất cả các nhà trường; quan tâm đến chất lượng các kỳ thi, hội thi; mở rộng và tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số; chú trọng rà soát, duyệt kế hoạch, quy hoạch của các nhà trường trên địa bàn...
Theo bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị huyện, 15 năm qua, công tác giáo dục đào tạo có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 215 phòng học, 12 phòng ở dành cho giáo viên, 31 phòng ở dành cho học sinh, đến nay toàn huyện có 631 phòng học, 190 phòng ở của giáo viên, 160 phòng ở dành cho học sinh, cơ bản đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Toàn huyện hiện có 11 đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 32,4% (số liệu trước khi sáp nhập). Đối với cơ sở vật chất trường lớp học, huyện ưu tiên đầu tư xây dựng, tu sửa nhiều hạng mục và mua sắm trang thiết bị như: Đổ bê tông sân trường, dựng tường rào, xây bếp ăn bán trú, nhà lớp học tạm, phòng học lắp ghép, công trình vệ sinh; mua sắm thêm trang thiết bị dạy học...
Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới, việc duy trì sĩ số, huy động học sinh đến lớp và thực hiện công tác bán trú được huyện đặc biệt quan tâm; vì vậy, hệ thống nhà trẻ từ 1 nhóm với 20 cháu ban đầu, hiện giờ đã có 25 nhóm, 511 cháu, đạt 18,6% số trẻ trong độ tuổi; mẫu giáo đạt từ 98% trở lên; huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 và 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 98% trở lên; duy trì sĩ số học sinh ở bậc nhà trẻ và mẫu giáo đạt 100%; tiểu học 99,6% trở lên; THCS 99,4% trở lên; toàn huyện hiện có 20 trường phổ thông có học sinh bán trú, với 3.507 em; 19 trường triển khai nấu ăn tập trung với 2.296 học sinh. Trong những năm qua, các nhà trường đã thực hiện tốt việc tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú. Việc chi trả các chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên, học sinh được đảm bảo, cấp phát kịp thời. Ngoài ra, Phòng còn phát động các trường nấu ăn cho học sinh bán trú tổ chức trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm; thí điểm nuôi lợn tại các nhà trường bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn và sinh hoạt của học sinh; học sinh bán trú được ăn, nghỉ, sinh hoạt tốt hơn, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, rèn luyện ý thức tự quản, tự phục vụ, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho biết thêm: Những năm gần đây, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện luôn chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và công tác tổ chức cán bộ; thành lập các cụm chuyên môn, tổ chức các hội thảo theo chuyên đề, nhằm củng cố phương pháp và rèn luyện kỹ năng thực hiện chương trình giáo dục, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và các chuyên đề giáo dục tại địa phương. Chất lượng giáo dục, bậc học mầm non, số trẻ phát triển cân nặng, chiều cao luôn đạt trên 90%; trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi từ 14.7% giảm xuống 7%. Tiểu học, số học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99% trở lên. Giáo dục THCS có số học sinh học lực giỏi, khá tăng trên 40%, yếu, kém giảm xuống còn 6%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS luôn đạt trên 98%. Công tác phổ cập luôn được duy trì vững chắc, cập nhật dữ liệu phổ cập trên hệ thống phần mềm trực tuyến quốc gia. Đã có 2 xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I, 6 xã đạt mức độ III; 3 xã đạt phổ cập THCS mức độ I và 5 xã đạt mức độ II. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được duy trì ở 8 xã; phổ cập giáo dục xóa mù chữ được triển khai rộng rãi, 5 xã đạt mức độ I và 3 xã đạt mức độ II.
Những kết quả trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện vùng cao biên giới Sốp Cộp đã tạo bước đệm cho việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!