Sốp Cộp chú trọng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

Nhằm duy trì kết quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, huyện Sốp Cộp chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các ban chỉ đạo, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tham gia học tập bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên.

 

Một lớp học xóa mù chữ tại bản Co Hịnh, xã Sốp Cộp (Sốp Cộp).

 

Ban chỉ đạo phổ cập các cấp đã phối hợp với các bản, bộ phận tư pháp, hội người cao tuổi, hội nông dân, hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ mở các lớp học tập, tập huấn chương trình xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ; học nghề ngắn hạn; các chuyên đề về giáo dục pháp luật, giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường, chuyên đề về văn hóa xã hội, chuyên đề phát triển kinh tế, giáo dục kỹ năng sống...

Trong công tác phổ cập, Ban chỉ đạo các xã tiến hành điều tra từ bậc học mầm non, cấp tiểu học đến cấp trung học cơ sở; giao các trường trung học cơ sở trên địa bàn tổng hợp, cập nhật số liệu trên hệ thống phần mềm phổ cập giáo dục - chống mù chữ. Đến thời điểm này, số dân trong độ tuổi 15-60 trong toàn huyện có trên 29.000 người; số người biết chữ mức độ 1 trở lên là 25.126 người; 100% đơn vị cấp xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 1 trở lên; có 2 xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2. Đối với phổ cập giáo dục xóa mù chữ, có xã Dồm Cang, Mường Lèo đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2; các xã Sốp Cộp, Nậm Lạnh, Púng Bánh, Mường Và, Mường Lạn, Sam Kha đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 1.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện cho biết thêm, đến hết tháng 12/2017, các xã đã mở 20 lớp xóa mù chữ với 357 học viên hoàn thành chương trình; 8 lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với 190 học viên hoàn thành chương trình. Hiện, đang mở 8 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 228 học viên. Phòng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân xây dựng chương trình hành động đẩy mạnh Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; phối hợp với các Đồn Biên phòng Mường Lạn, Nậm Lạnh, Mường Lèo và Đoàn 326 mở một số lớp tại các xã Mường Lạn, Nậm Lạnh, Mường Lèo, Sốp Cộp, Sam Kha.

Có mặt tại lớp xóa mù chữ bản Co Hịnh, xã Sốp Cộp, chúng tôi thấy lớp có 18 học viên nữ từ 22-50 tuổi, học trình độ từ lớp 1 đến lớp 3, ban ngày chị em đều đi làm nương, tối mới đi học. Thầy giáo Lò Văn Tuyến, giáo viên Trường Tiểu học Sốp Cộp, cho hay: Lớp thường xuyên duy trì từ 11-17 người, mỗi học viên nữ được hỗ trợ 10.000 đồng/buổi. Lớp trình độ lớp 1,2,3 giai đoạn 1 dạy từ tháng 3/2017, bây giờ đã có 6 người nghe, đọc, viết thành thạo. Điều khó khăn trong dạy lớp xóa mù chữ là bất đồng ngôn ngữ, phải nhờ người biết tiếng phổ thông phiên dịch mỗi khi lên lớp, nhờ quyết tâm cao nên cả thầy và trò đều vượt qua.

Thực hiện Nghị quyết số 113 của HĐND tỉnh về “Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh”, đã hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái tham gia học giai đoạn 2015-2017 trên 453 triệu đồng. Tuy nhiên, chính sách trên chỉ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái, do đó phần lớn các lớp xóa mù chữ không có hoặc rất ít học viên nam đăng ký đi học. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều bất cập, thiếu giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn... ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả xóa mù chữ trên địa bàn huyện.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Sốp Cộp đã nỗ lực thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Rất mong, cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường đầu tư ngân sách Nhà nước cho công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; có chính sách thu hút giáo viên tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới... để nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách về mặt bằng dân trí giữa các vùng.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới