Đã hơn 7 tháng nay, cứ 5 giờ chiều, tại Trường tiểu học xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) lại tụ tập đông đủ các học viên của lớp xóa mù chữ, dưới sự giảng dạy và chỉ bảo tận tình của các giáo viên. Phần lớn các học viên đến đây đều là nông dân, vốn quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, từ khi có lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn.
Lớp học xóa mù chữ tại xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai).
Tham gia lớp học này là 20 học viên đủ mọi lứa tuổi, nhiều người trong số họ chưa từng đến lớp, lại có cả những người tái mù chữ; nhìn chung, việc tiếp thu bài của họ gặp khá nhiều khó khăn. Để học viên tiếp thu tốt các bài học, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức các trò chơi phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Trò chuyện với chị Là Thị Na (bản Bỉa Ban), chúng tôi được biết chị đã gần 40 tuổi và đây là lần đầu tiên được đến lớp để học. Chị bảo, trước đây bố mẹ khó khăn, gia đình đông con, trường học ở xa nên chị không thể đi học được, thành ra từ bé đến giờ không biết mặt chữ. Được cán bộ chi hội phụ nữ bản động viên nên quyết tâm đi học cho biết "cái" chữ. Còn chị Lường Thị Thái (bản Én Bung) rất thoải mái: Nhờ tham gia lớp học này, tôi không chỉ xóa bỏ được tâm lý mặc cảm bởi không biết chữ mà còn thấy rất vui vì đã biết viết, biết đọc.
Là người được phân công trực tiếp giảng dạy, thầy giáo Là Văn Ánh, Trường tiểu học Chiềng Bằng, vui vẻ cho chúng tôi biết: Học viên khi tham gia các lớp học xóa mù chữ đều được hỗ trợ về sách vở, dụng cụ học tập. Lớp học xóa mù chữ ở đây dạy các trình độ lớp 1, 2, 3, học viên độ tuổi khá cao, từ 28 đến 50 tuổi. Lớp được khai giảng từ tháng 10/2018, thời gian học bố trí vào thứ 2, thứ 6 trong tuần. Những buổi đầu đến lớp, học viên cầm bút tay còn cứng, nét chữ chưa rõ ràng, nhận biết mặt chữ khó khăn. Bù lại, anh chị em học viên rất tích cực, tự giác, chăm chỉ học tập, đến bây giờ, họ đã nghe, đọc và viết thành thạo.
Được biết, thực hiện Chương trình phối hợp triển khai công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho phụ nữ giai đoạn 2014-2020, giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Chương trình phối hợp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho lao động nông thôn giai đoạn 2014-2020 giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với Hội Nông dân tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội LHPN, Hội Nông dân Quỳnh Nhai đã rà soát, xác minh danh sách phụ nữ, trẻ em gái đăng ký học lớp xóa mù chữ; điều tra đến tận hộ gia đình để đảm bảo số liệu chính xác người mù chữ, tái mù chữ, trên cơ sở đó có kế hoạch xóa mù chữ phù hợp ở từng xã. Đồng thời, chỉ đạo các trường tiểu học phân công cán bộ, giáo viên giảng dạy các lớp xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ cho hội viên, phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy; hỗ trợ học viên và những người tham gia dạy xóa mù chữ; cung cấp tài liệu, hướng dẫn chương trình xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ cho các đối tượng. Bà Lương Thị Tám, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết thêm: Năm học 2018 - 2019, Quỳnh Nhai đã mở 2 lớp xóa mù chữ và 4 lớp sau xóa mù chữ, thu hút 196 học viên các xã Chiềng Bằng, Mường Giàng, Chiềng Ơn, Cà Nàng, Mường Sại tham gia. Sau mỗi khóa học, Phòng đều kiểm tra công tác giảng dạy của những đơn vị có lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ; chỉ đạo ra đề kiểm tra học viên về kỹ năng đọc, viết, làm toán. Nếu đạt, học viên sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Qua đánh giá, Quỳnh Nhai hiện có 4 xã đạt chuẩn giáo dục xóa mù chữ mức độ I; 7 xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2.
Những kết quả đạt được cho thấy, công tác xóa mù chữ được triển khai đã từng bước củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, thúc đẩy phong trào “Xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai, góp phần thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!