Niềm vui mới ở điểm trường Buôm Khoang

Xuân này, thầy và trò điểm trường Buôm Khoang, Trường Tiểu học Chiềng Lương, xã Chiềng Lương (Mai Sơn) có niềm vui nhân đôi, vì có phòng học mới thay cho những ngôi nhà tạm lâu năm đã xuống cấp. Trong niềm vui đó, thầy, cô giáo và các em học sinh nơi đây có thêm động lực để phấn đấu thi đua dạy tốt, học tốt.

Một giờ học của thầy và trò điểm trường Buôm Khoang, Trường Tiểu học Chiềng Lương (Mai Sơn).

Trong phòng học mới, những đôi mắt trẻ thơ ánh lên niềm say mê học tập, những tiếng tập đọc vang lên rõ ràng, dứt khoát của các em học sinh phá tan không gian im ắng của núi rừng vùng cao. Còn nhớ, cách đây không lâu, các lớp học vẫn chỉ là nhà tạm, diện tích chưa đến 70 m2, được dựng bằng tre, gỗ, lợp fibrô - ximăng. Phòng học ở giữa đỉnh đồi, do sử dụng lâu năm nên xuống cấp, thầy cô giáo và các em học sinh giảng dạy và học tập trong điều kiện khó khăn. Khi mùa mưa, phòng học bị dột, thầy và trò lại kéo bàn chuyển ghế, tránh cho sách vở và người không bị ướt. Mùa đông gió lùa, lạnh thấu da thấu thịt, các thầy, cô giáo phải dùng củi và lõi ngô đốt trong chậu sắt, đặt cuối lớp để các em sưởi. Chưa đủ ấm, các thầy cô giáo lại gom góp tiền để mua thêm bạt quây quanh phòng học, chắn cho gió khỏi lùa vào trong lớp. Không giấu niềm vui, em Giàng A Nụ, học sinh lớp 5A4 tại điểm trường Buôm Khoang khoe: Bây giờ, chúng em được ngồi bàn ghế mới, trong phòng học sạch sẽ lại rộng rãi, không còn lo bị mưa dột và bùn đất nữa. Ngoài giờ học, chúng em có thể ở lại trường vui chơi, các bạn ai cũng hào hứng và chăm chỉ đến lớp mỗi ngày, với quyết tâm học tập thật tốt để không phụ lòng các thầy, cô giáo.

Đưa chúng tôi dạo quanh những phòng học lắp ghép mới được dựng, với đầy đủ tiện nghi, thầy giáo Điêu Chính Nam, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4 chia sẻ: Nhờ sự giúp đỡ của nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau” (Hà Nội) và cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà tạm xuống cấp đã được thay thế bằng hai phòng học lắp ghép chắc chắn, với tổng diện tích là 96 m2, cùng 2 bảng từ và 30 bộ bàn ghế mới cho học sinh. Điểm trường còn được tài trợ nguyên vật liệu để làm 100 m2 sân phục vụ những buổi sinh hoạt chung như các hoạt động vui chơi, ngoại khóa ngoài trời. Các em học sinh cũng được tặng nhiều quần áo ấm, giày dép, sách vở và đồ dùng học tập mới. 

Được biết, tháng 10/2018 công trình lớp học lắp ghép tại điểm trường Buôm Khoang được khởi công xây dựng. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo việc dạy và học của thầy và trò tại điểm trường, không chỉ cán bộ, giáo viên, mà người dân trong bản cũng góp sức, hỗ trợ vận chuyển vật liệu từ trung tâm xã lên điểm trường, đổ đất làm nền, hỗ trợ lắp ghép phòng học. Ông Lý A Trông, Trưởng bản Buôm Khoang chia sẻ: Biết điểm trường được đầu tư nâng cấp, con em có cơ hội được học tập và sinh hoạt trong môi trường mới, dân bản Buôm Khoang ai cũng phấn khởi. Chúng tôi bảo nhau góp công lao động, chung sức để sớm hoàn thiện điểm trường.

Điểm trường Buôm Khoang có 100% là con em đồng bào dân tộc Mông, đa số các em thuộc hộ nghèo, nhiều em tuy còn nhỏ, nhưng đã là lao động chính của gia đình, nên các thầy, cô giáo không chỉ tìm phương pháp giảng dạy hiệu quả để các em học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất, mà còn đến tận gia đình các em vận động phụ huynh động viên các em đi học đều. Nhiều năm liên tiếp, điểm trường không có học sinh bỏ học giữa chừng; năm học 2017 - 2018, điểm trường có 100% học sinh đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, 14/38 em được khen thưởng  hoàn thành xuất sắc môn học. Dù điểm trường lẻ cách xa trung tâm, cơ sở vật chất hạn chế, nhưng thầy và trò vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể như: thể dục giữa giờ, ngoại khóa; nghe và kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thi giao lưu Tiếng Việt giữa các điểm trường,... Nhờ đó, các em được nâng cao kiến thức mọi mặt để phát triển toàn diện.

Chia tay thầy và trò điểm trường Buôm Khoang, chúng tôi nhớ mãi những ánh mắt ngây thơ ánh lên niềm đam mê học tập của các em học sinh và cũng nhớ mãi những tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” của các thầy, cô giáo đã không quản khó khăn, vất vả để mang con chữ đến với các trò nhỏ ở vùng quê còn nhiều khó khăn này.

 Lê Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới