Hiếm có nơi nào sự “dạy và học”còn nhiều khó khăn, vất vả như ở xã vùng sâu, vùng xa Sam Kha (Sốp Cộp), đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, người dân chưa quan tâm nhiều đến việc học hành của con trẻ... dù vậy, vẫn không ngăn được quyết tâm của các thầy, cô giáo miệt mài “gieo chữ”, giúp con em đồng bào các dân tộc có kiến thức, tự tin, vươn lên.
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Sam Kha (Sốp Cộp).
Gần 2 giờ đồng hồ, từ trung tâm huyện theo cung đường đang được nâng cấp, mở rộng, vượt những đoạn dốc mù sương, chúng tôi đặt chân đến Trường Tiểu học Sam Kha. Cách đây vài năm, cung đường này thực sự là thử thách không nhỏ đối với các thầy cô giáo, ngày nắng thì đường bụi mù, mưa xuống thì đường bùn lầy, trơn trượt, thế nên, lựa chọn khả dĩ nhất là đi bộ... Cũng bởi giao thông cách trở, nên điều kiện sinh hoạt hằng ngày của thầy, cô giáo ở đây rất vất vả. Đầu tháng, đầu tuần, mâm cơm còn có vài món tươi, chứ về cuối tháng hay cuối tuần, mâm cơm chỉ vài con cá khô và bát canh rau tự trồng... Phải yêu nghề, yêu trẻ lắm đội ngũ giáo viên mới bám trụ được ở vùng đất khắc nghiệt này.
Trò chuyện với thầy giáo Tòng Văn Dịn, Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi được biết trường hiện có hơn 500 học sinh, học tại điểm trường trung tâm và 6 điểm lẻ ở các bản. Trong số này, có 168 học sinh ở bán trú được tổ chức nấu ăn tập trung. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu quần, áo ấm, thiếu giày dép, vật dụng, nhưng các em ngoan và hiếu học lắm, đây chính là động lực động viên 35 cán bộ, giáo viên nhà trường, dù phải xa gia đình, chấp nhận thử thách, khó khăn, đoàn kết cùng nhau tận tâm truyền dạy kiến thức cho các em học sinh. Những năm học qua, chất lượng giáo dục của nhà trường chuyển biến rất tích cực, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt trên 95%... Đây là kết quả rất đáng ghi nhận đối với một nhà trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như Sam Kha.
Nói về nghề, thầy giáo Quàng Văn Hướng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, người con của mảnh đất Sam Kha, đã gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi đây 16 năm, xúc động: Năm 2001 tốt nghiệp ngành tiểu học tại Trường Cao đẳng Sơn La, tôi trở về quê hương nhận công tác. Nhớ lại ngày đầu, cơ sở vật chất trường học thiếu thốn, nhiều học sinh bỏ học giữa chừng; việc duy trì sĩ số học sinh rất khó khăn. Vì vậy, tôi đã phải cùng các thầy cô giáo trong trường băng rừng, lội suối đến từng gia đình vận động các em đi học... Và cũng chính những năm tháng gắn bó với nghề dạy học, tôi đã tìm được “một nửa” của mình, đó là cô giáo Lò Thị Bích, người con gái đất Mường Lèo, đã nguyện cùng tôi vun đắp sự nghiệp “trồng người” ở mảnh đất quê hương này.
Rời Trường Tiểu học Sam Kha, chúng tôi tới điểm trường Huổi Phô, một trong 6 điểm lẻ của nhà trường, cách trung tâm xã 11km. Trước dãy nhà dành cho giáo viên, tôi thấy treo những nhành lan rừng, chưa kịp thắc mắc thì thầy giáo Lò Văn Dẫn giải thích: Quà 20-11 của các em học sinh đấy nhà báo ạ. Quà của các thầy cô giáo nơi đây đặc biệt lắm, có thể là những nhành lan rừng, cũng có khi là măng khô, ngô, thóc... vậy thôi, nhưng ẩn chứa trong đó tình cảm mộc mạc, chân thành của học sinh đối với thầy cô. Học sinh nơi đây gần gũi, tình cảm lắm, như người trong một nhà vậy. Được biết, hai vợ chồng thầy giáo Dẫn cũng công tác cùng trường. Nhà thầy giáo ở xã Sốp Cộp, nên cô con gái đang học mẫu giáo đành phải gửi ông bà chăm sóc.
Sam Kha là xã đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, 90% là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống tại 9 bản. Địa hình ở đây chủ yếu là đồi núi dốc, dân cư không tập trung, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp giáo dục, người dân chưa ý thức được ý nghĩa của việc học nên tỷ lệ huy động học sinh ra lớp còn gặp nhiều khó khăn. Với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, các thầy cô giáo thường xuyên tới các bản tuyên truyền, giải thích, để phụ huynh đồng ý cho con em ra lớp... Hiện nay, toàn xã có 3 trường, trong đó 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em trong xã.
Vùng cao, nơi thử thách lòng nhiệt tình của các thầy giáo, cô giáo. Họ hiểu, mỗi con chữ mang đến cho học sinh là vô cùng quý giá, được đánh đổi bằng công sức, trí tuệ và cả tuổi thanh xuân, dù vậy những “kỹ sư tâm hồn” vẫn vượt lên tất cả, miệt mài từng ngày “gieo chữ”, thắp sáng tri thức cho con em đồng bào các dân tộc vùng cao.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!