Thực hiện Kế hoạch số 26 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục, ngay từ đầu năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học thị trấn Phù Yên đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo cán bộ, giáo viên, nhân viên tích cực ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học thị trấn Phù Yên
quản lý và điều hành hoạt động giảng dạy qua hệ thống camera.
Cô giáo Đào Thị Nhung, Hiệu trưởng nhà trường thông tin: Được Phòng GD&ĐT huyện đầu tư và hội phụ huynh học sinh đóng góp hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất, trang, thiết bị phục vụ việc ứng dụng CNTT, nhà trường hiện có 20/28 lớp có tivi thông minh kết nối mạng Internet và 6 máy chiếu hỗ trợ giáo viên trong giờ giảng. Phòng tin học có 29 máy tính kết nối Internet để học sinh học tập và tham gia các cuộc thi tổ chức trên mạng Internet. Hệ thống camera tại các lớp học được trang bị hoạt động hiệu quả, phục vụ công tác quản lý và điều hành. Cùng với đó, 52 cán bộ, giáo viên nhà trường đều thành thạo việc soạn bài giảng trên máy tính và sử dụng, khai thác các phần mềm thiết kế bài giảng, thống kê, tính điểm. Trên 90% số giáo viên thường xuyên sử dụng các trang, thiết bị kỹ thuật hỗ trợ giờ giảng như tivi thông minh, máy tính, máy chiếu.
Trong hoạt động, nhà trường đã sử dụng hiệu quả hệ thống: Cơ sở dữ liệu ngành, quản lý phổ cập giáo dục và chống mù chữ; báo cáo thống kê trực tuyến (EMIS), thống kê chất lượng giáo dục tiểu học (EQMS) tích hợp trong hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Cập nhật đầy đủ thông tin về nhà trường, cán bộ, giáo viên, học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý, định kỳ cập nhật chất lượng giáo dục của nhà trường trên hệ thống chính xác. Việc tiếp nhận các văn bản chỉ đạo điều hành hoạt động của đơn vị cũng thường xuyên được thực hiện thông qua việc truy cập cổng thông tin điện tử của ngành.
Điểm nhấn trong việc ứng dụng CNTT của nhà trường là đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Những năm qua, Ban giám hiệu nhà trường đã đẩy mạnh phong trào thi đua thiết kế và sử dụng các bài giảng điện tử, phần mềm trình chiếu hỗ trợ trong các tiết học. Đồng thời, đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, nhân viên kỹ năng, phương pháp ứng dụng CNTT hiệu quả của ngành, như: Khai thác kho bài giảng điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sử dụng có chọn lọc để đổi mới phương pháp dạy học; tận dụng các trình duyệt Web MozillaFire Fox, Internet Explorer, Cốc Cốc... tìm kiếm thông tin trên mạng, tham khảo cách giảng, cách thiết kế bài giảng điện tử sáng tạo, hiệu quả; thiết kế các trang Web, blog cá nhân để trao đổi thông tin có liên quan đến chuyên môn, giúp học sinh học tập thông qua mạng, mở rộng không gian giao tiếp giữa thầy và trò...
Chúng tôi đến lớp 4B Trường Tiểu học thị trấn Phù Yên khi đang trong giờ học Tiếng Việt. Bên cạnh việc sử dụng bảng viết thể hiện những nội dung chính, giáo viên còn sử dụng tivi thông minh để trình chiếu các hình ảnh tĩnh, hình ảnh động, các video và phát thanh minh họa cho bài giảng. Em Nguyễn Huyền Châu, học sinh lớp 4B hào hứng: Khi được học qua các tivi thông minh và máy chiếu, chúng em thấy bài học hấp dẫn hơn và hăng hái phát biểu xây dựng bài. Cuối giờ học, các thầy, cô giáo còn tổ chức chơi trò chơi kiến thức trên các phần mềm, thiết bị, khiến chúng em rất thích thú, hăng hái hơn trong mỗi giờ học.
Còn cô giáo Nguyễn Thị Vũ Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B cho biết: Thời gian đầu, bản thân giáo viên còn gặp một số khó khăn, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng. Nhận thấy hiệu quả giờ giảng từ việc ứng dụng công nghệ, chúng tôi luôn cố gắng học hỏi, tìm hiểu và học hỏi. Sau một thời gian, đội ngũ giáo viên nhà trường đã xây dựng kho bài giảng điện tử dùng chung theo các tổ, khối chuyên môn. Nhờ vậy, kết thúc học kỳ I năm học 2018 - 2019, toàn trường có 1.014/1.017 học sinh hoàn thành môn học; trên 92% học sinh đạt chuẩn các năng lực tự phục vụ, tự quản, tự học, giải quyết vấn đề và hợp tác trong học tập.
Có thể nói, việc ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành và dạy học đã nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường. Thời gian tới, đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường tiếp tục nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ, nhanh nhạy với các công nghệ mới, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Lê Hạnh (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!