Nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị, trường học sau sáp nhập

Thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục - đào tạo, toàn tỉnh đã sáp nhập, thành lập mới 215 trường học trên cơ sở sáp nhập 443 đơn vị trường học trong tổng số 462 đơn vị trường học; so với khi chưa sáp nhập đã giảm 239 đơn vị, 359 tổ chuyên môn. Sau sáp nhập, các đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Giờ học thể dục của thầy và trò Trường Tiểu học và THCS xã Chiềng Đen (Thành phố).

Các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động kiện toàn bộ máy, xây dựng kế hoạch và tổ chức giảng dạy hiệu quả. UBND các huyện, thành phố và các đơn vị trường học thực hiện điều động, bố trí và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với 488 hiệu trưởng và 11.264 viên chức, 738 người lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐCP; giải quyết nghỉ chế độ 58 công chức, viên chức, lao động hợp đồng của các đơn vị trường học theo Nghị định 108/2000/NĐ-CP; qua đó, giảm 319 biên chế; 101 cán bộ lãnh đạo, quản lý; điều chuyển 155 nhân viên y tế học đường về các trạm y tế xã, phường; trung tâm y tế một số huyện đã chủ động giao nhiệm vụ cho trạm y tế xã thực hiện nhiệm vụ y tế học đường.

Bên cạnh đó, các đơn vị trường học cũng nhanh chóng kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể, hội đồng nhà trường và các tổ chuyên môn; xây dựng quy chế hoạt động; thực hiện kiểm kê quản lý tài chính, tài sản, đất đai. Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho 6.014 cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Duy trì nấu ăn cho 25.218 học sinh tại 114 trường có học sinh bán trú, với 13,565 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, một số trường học đã thực hiện ký hợp đồng với các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ suất ăn cho học sinh bán trú, với giá từ 15-20 nghìn đồng/suất, như: Trường Tiểu học Vân Hồ (Vân Hồ), giảm chi ngân sách Nhà nước trong đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, dụng cụ, thuê nhân viên nấu ăn... Ngoài ra, 215 đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục - đào tạo sau sáp nhập còn được giao quyền tự chủ về tài chính; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập 13 trường tư thục mầm non, 1 trường tiểu học tư thục. Toàn tỉnh hiện có 9 dự án đầu tư xây dựng trường học tư thục (Thành phố 5 dự án, Mai Sơn 1, Mộc Châu 2, Phù Yên 1), do các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, sau sáp nhập, giải thể, một số đơn vị thừa công chức, viên chức quản lý, hiện có 119 đơn vị trường học dư 221 phó hiệu trưởng, 428 giáo viên chưa đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Công tác quản lý, điều hành, tổ chức triển khai các hoạt động dạy và học gặp khó khăn, do phải triển khai thực hiện nhiệm vụ của nhiều cấp học hoặc nhiều chương trình; cơ sở vật chất một số trường còn thiếu nhưng vẫn phải thực hiện cùng lúc tại hai điểm trường, nên khó khăn trong quản lý học sinh và tài sản; xử lý tài chính, tài sản, đất đai phức tạp, liên quan đến nhiều đầu mối. Quy định về trường đạt chuẩn sau sáp nhập, thành lập mới làm các trường lúng túng trong triển khai thực hiện. Việc phân cấp quản lý tổ chức bộ máy theo Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND ngày 17/8/2018 của UBND tỉnh Sơn La còn bất cập, như: Sáp nhập các tổ chuyên môn chưa phù hợp với Luật Giáo dục, Điều lệ trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học gây xáo trộn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, công tác của tổ chuyên môn tại các nhà trường; việc quy định về số lượng cấp phó các đơn vị trường học chưa đảm bảo theo quy định của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, dẫn tới khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động quản lý, điều hành của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập...

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục sửa đổi một số nội dung Quyết định số 23, quy định về số lượng cấp phó các đơn vị trường học và biên chế các tổ chuyên môn của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập phù hợp với Thông tư liên tịch của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ; chỉ đạo rà soát chức năng nhiệm vụ để sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời tinh giản biên chế. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt tổ chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường, thiết thực, sát với chương trình học và đối tượng đội ngũ cán bộ, giáo viên từng trường; tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, sinh hoạt chuyên môn trên “Trường học kết nối”. Tăng cường các nguồn lực đầu tư, lồng ghép các chương trình mục tiêu, dự án, ngân sách để tăng hiệu quả đầu tư trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho các đơn vị trường học thuộc địa bàn khó khăn, nhất là đối tượng chính sách. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho phát triển giáo dục; khuyến khích các cơ sở giáo dục, đào tạo đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất thực hiện chương trình chất lượng cao để có thêm nguồn lực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo...

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới