Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Bám sát định hướng đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp trồng người. Nhờ đó, quy mô trường lớp ngày càng mở rộng, chất lượng giáo dục ở các cấp học được duy trì và nâng lên.

 

Một giờ học của thầy và trò Trường THCS xã Ngọc Chiến (Mường La)

Ảnh: TS

Thực hiện Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đến nay, toàn tỉnh có 596 trường thuộc các bậc học; mạng lưới cơ sở giáo dục đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh; mỗi xã, phường, thị trấn đều có trường mầm non, tiểu học, THCS và trung tâm học tập cộng đồng; mỗi huyện, thành phố đều có từ 1 đến 5 trường THPT; các bản xa trung tâm xã đều có điểm trường đảm bảo việc dạy và học cho con em các dân tộc. Cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư, đến nay, toàn tỉnh có hơn 13.000 phòng học, trong đó trên 8.500 phòng kiên cố (chiếm 64,8%); nhiều trường đầu tư phòng vi tính, phòng thực hành, thư viện... phục vụ tốt việc dạy và học. Đặc biệt, xác định vai trò chủ đạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các bậc học, cấp học và chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành. Qua đó, trang bị cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các vấn đề về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch, nhiệm vụ từng năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, góp phần nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức của cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu của chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp giáo viên. Đồng thời, chuẩn bị tốt điều kiện về đội ngũ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giúp cán bộ quản lý, giáo viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Hiện nay, toàn ngành có gần 23 nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó trên 99% đạt chuẩn trở lên.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học mầm non, phổ thông ngày càng tăng, năm học 2018-2019, tỷ lệ học sinh có kết quả hoàn thành tốt ở bậc tiểu học là 36,9%; gần 50% học sinh cấp học THCS và 58,9% học sinh cấp THPT đạt học lực khá, giỏi.  Có 9 học sinh THPT đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, 326 học sinh THPT đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 397 học sinh THCS đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh... Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS; 258 trường đạt chuẩn quốc gia... Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển. Trẻ em vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, với nhiều chế độ hỗ trợ theo quy định của Nhà nước và của tỉnh. Các chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ của tỉnh đối với học sinh và sinh viên đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện công bằng xã hội, góp phần phát triển nguồn lực của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục - Đào tạo còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Theo kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, qua khảo sát chất lượng đầu cấp (lớp 6, lớp 10) năm học 2019 - 2020, cho thấy kết quả đánh giá, xếp loại học sinh hằng năm chưa sát với thực tế, chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh đang ở mức thấp so toàn quốc. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu cục bộ phòng học ở nhiều trung tâm trường, một số trường học vẫn còn các phòng học tạm; thiếu các phòng học bộ môn, phòng tin học, phòng ngoại ngữ... Thiếu giáo viên theo quy định của Nhà nước, đặc biệt là giáo viên mầm non, tiểu học; thiếu đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và giáo dục mũi nhọn...

 

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học thị trấn huyện Phù Yên.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, xác định rõ phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, ngành Giáo dục - Đào tạo tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, gắn giáo dục - đào tạo với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... Cụ thể hóa trong từng bậc học, đối với giáo dục mầm non, chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ... Đối với giáo dục phổ thông, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng. Giáo dục chuyên nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo từng cấp. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo...

Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, sự tận tâm yêu nghề của đội ngũ giáo viên cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tin rằng, sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới