Để trẻ mầm non phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ, thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Yên luôn quan tâm chỉ đạo các nhà trường mầm non trên địa bàn chú trọng công tác bảo đảm đầy đủ, hợp lý chất dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Bữa ăn trưa của trẻ Trường Mầm non Họa Mi (Mường Khoa).
Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Phòng chỉ đạo các trường học căn cứ tình hình thực tế, đề ra các giải pháp duy trì và bảo đảm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ; xây dựng thực đơn theo mùa, thay đổi theo tuần phù hợp với nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương, cân đối đủ chất, đáp ứng nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cần thiết cho trẻ từng độ tuổi. Trên địa bàn huyện hiện có 16 trường mầm non, với 208 lớp tổ chức ăn bán trú dưới các hình thức; trong đó, 9 đơn vị tổ chức nấu ăn tại trường, 7 trường tổ chức dưới hình thức bố mẹ nấu cho trẻ mang cơm đến lớp, 4.828 trẻ được ăn trưa tại trường (đạt 97,7%), tăng 2 trường tổ chức nấu ăn bán trú so năm học 2018 - 2019.
Để quản lý chặt chẽ, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, Phòng GD-ĐT yêu cầu các trường mầm non ký hợp đồng cung cấp thực phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng, cá với các cơ sở có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; thường xuyên kiểm tra nguồn thực phẩm hàng ngày đưa đến trường và các khâu sơ chế, sử dụng, cũng như bảo quản thực phẩm trong bếp ăn; nghiêm chỉnh thực hiện quy trình bếp ăn một chiều và công tác lưu mẫu thức ăn hàng ngày, đề phòng ngộ độc thực phẩm... Nhờ vậy, chất lượng bữa ăn của trẻ luôn được đảm bảo, 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khoẻ và theo dõi sự phát triển qua biểu đồ tăng trưởng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể thấp còi. Đồng thời, các trường triển khai chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, khám phá, trải nghiệm, sáng tạo phù hợp với tâm sinh lý... Kết quả, trong năm học 2019 - 2020, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98%; trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt 99,3%; số trẻ mẫu giáo ăn bán trú 4.828 cháu/4.937 cháu; 100% trẻ được theo dõi sức khỏe qua biểu đồ tăng trưởng; tỷ lệ trẻ nhà trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 5,2%, suy dinh dưỡng thể thấp còi 6%; trẻ mẫu giáo suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 4,7%, suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 6,5%; tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì mẫu giáo còn 4%. Chị Hà Thị Thắm, Tổ trưởng Tổ nuôi dưỡng Trường Mầm non Họa Mi (xã Mường Khoa), chia sẻ: Anh chị em là nhân viên nuôi dưỡng, trực tiếp nấu ăn cho trẻ đều được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn, lĩnh hội được các kiến thức về dinh dưỡng, cách chế biến các món ăn cho trẻ, tạo hứng thú cho trẻ ăn hết suất, đủ chất và đủ lượng.
Nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ một cách khoa học, đầy đủ dinh dưỡng, các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà bếp của các đơn vị trường mầm non, tiểu học bán trú đều được tiếp cận với kiến thức về dinh dưỡng, cách xây dựng thực đơn và thực hành quy trình chế biến món ăn cho trẻ (tất cả các dạng ăn cơm, cháo, bột hay các món ăn phụ); thường xuyên trao đổi thông tin về dinh dưỡng đối với phụ huynh học sinh để có khẩu phần ăn phù hợp với trẻ, vận dụng, thực hiện tốt trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi (xã Mường Khoa), cho hay, hàng ngày nhà trường đều cử cán bộ, giáo viên thay phiên phục vụ nấu ăn cho các cháu; chủ động hợp đồng với các đại lý, các hộ dân cung cấp thực phẩm; mọi thực phẩm trước khi chế biến đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Ngoài ra, nhà trường còn tận dụng nguồn thực phẩm tại chỗ như rau, củ, quả... bổ sung vào các bữa ăn cho trẻ trong ngày.
Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, khẳng định: Năm học 2019 - 2020, Phòng đã đề ra một số mục tiêu: Tỷ lệ huy động mẫu giáo ra lớp đạt 98% trở lên (trẻ 5 tuổi 99% trở lên); 100% trẻ em được đảm bảo an toàn khi đến trường; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân từ 3-5%... Để thực hiện mục tiêu, cùng với chú trọng đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, Phòng chỉ đạo các trường tổ chức khám sức khỏe cho trẻ từ đầu năm; đội ngũ nhân viên nhà bếp các trường được khám theo từng giai đoạn; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn của các nhà trường; chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sự đóng góp của xã hội đối với việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, hạn chế tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ...
Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, việc chú trọng bữa ăn cho trẻ theo đúng các tiêu chuẩn quy định, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là những biện pháp cần thiết để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ các nhà trường mầm non trên địa bàn huyện Bắc Yên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!