Trở lại Trường PTDT bán trú THCS Nà Khoang (Sốp Cộp) những ngày cuối đông. Đang giờ ra chơi nên chỗ nào cũng ồn ào tiếng cười nói, nô đùa của các em học sinh. Năm học 2017 - 2018, nhà trường đón 266 em, thì có 146 em sinh hoạt bán trú, đa số các em là dân tộc thiểu số, gia đình còn nhiều khó khăn.
Sau giờ học các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS Nà Khoang (Sốp Cộp)
tăng gia sản xuất, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày.
Thầy giáo Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng nhà trường, cho chúng tôi hay, nhà trường tách ra từ trường THCS Mường Và, bước vào năm học mới, nhà trường đã tiến hành họp và triển khai thực hiện công tác bán trú, tuyên truyền tới phụ huynh học sinh, bảo đảm vận động các em ra lớp, duy trì sĩ số. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập, nhà trường đã huy động các nguồn nhân lực tham gia xây dựng cơ sở vật chất, hướng dẫn học sinh thực hiện nền nếp sinh hoạt nội trú; chi trả đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh, như: Hỗ trợ chi phí học tập, gạo, sách vở, đồ dùng học tập... Hiện nay, khu bán trú nhà trường có 10 phòng, hệ thống giường ngủ, góc học tập được bố trí hợp lý; mỗi học sinh bán trú được chi trả tiền ăn 520 nghìn/tháng và 15kg gạo. Bên cạnh việc chi trả chế độ, chính sách, nhà trường tổ chức cho học sinh bán trú ăn tại trường, ngày 3 bữa, có thực đơn và công khai tài chính hàng ngày; nhà bếp cơ bản đáp ứng số lượng học sinh. Cùng với đó, nhà trường cải tạo đất trong khuôn viên, phân công giáo viên hướng dẫn các em trồng rau, vừa cải thiện bữa ăn, vừa rèn kỹ năng sống, lao động sản xuất...
Không chỉ mang niềm tin, hiện thực hóa ước mơ của học trò nghèo mà còn bảo đảm nơi ăn, chốn ở đầy đủ cho các em yên tâm học tập. Em Mùa A Tro, học sinh lớp 8B, thật thà: Nhà em ở bản Phá Thóng, cách trường gần 30 km. Trước đây, khi chưa được ở trong khu bán trú, em phải đi bộ đi học, em đã từng có ý định bỏ học. Nhưng bây giờ thì khác, được các thầy giáo, cô giáo, các bạn quan tâm, chia sẻ em thấy vui hơn, không bỏ học nữa.
Nói về công tác tổ chức học tập và sinh hoạt bán trú, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp, cho hay: Sốp Cộp là huyện vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, nhiều điểm trường ở xa trung tâm. Nhân dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, không ít phụ huynh chẳng “mặn mà” chuyện cho con em đến trường. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 34 đơn vị trường học với 599 nhóm lớp, 15.140 học sinh; quy mô mạng lưới trường, lớp tiếp tục được củng cố, mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Trong số 648 phòng học thì có tới 391 kiên cố, 120 bán kiên cố, chỉ còn 137 tạm, mượn; 231 phòng công vụ thì 204 kiên cố và bán kiên cố, 27 tạm; 172 phòng nội trú có 61 kiên cố, 75 bán kiên cố; 99 phòng học chức năng...
Nhằm duy trì sĩ số học sinh, ngành GD-ĐT huyện Sốp Cộp chỉ đạo các nhà trường xây dựng và thực hiện nghiêm túc nội quy khu nội trú, nội quy bếp ăn tập thể; thi đua xây dựng môi trường trường học xanh, sạch; tích cực phòng chống dịch bệnh, tệ nạn xã hội trong trường học. Đồng thời, giáo dục nếp sống văn minh và thực hành kỹ năng sống trong khu nội trú và trong sinh hoạt tập thể... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tiếp thêm niềm tin và nghị lực cho học sinh vùng cao đến trường...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!