Khơi dậy đam mê sáng tạo khoa học

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh lần thứ IV, năm học 2016-2017 đã khép lại, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, thu hút đông đảo học sinh tham gia với nhiều sản phẩm, mô hình ý tưởng mới, độc đáo, mang tính ứng dụng cao. Đây thực sự là sân chơi ý nghĩa, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo ở lứa tuổi học sinh trung học trong toàn tỉnh.

Các dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017.

Cuộc thi được tổ chức với mục đích khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo nghiên cứu khoa học của học sinh trên địa bàn tỉnh; thu hút đông đảo học sinh trong toàn tỉnh tham gia, Ban tổ chức đã nhận được 112 dự án của 38 đơn vị và có 63 dự án của 33 đơn vị được lựa chọn tham dự cuộc thi cấp tỉnh. Các dự án tập trung vào lĩnh vực: khoa học máy tính; quản lý môi trường; hóa học; kỹ thuật vật liệu và công nghệ sinh học; kỹ thuật điện và cơ khí; khoa học xã hội và hành vi... nhìn chung, chất lượng các dự án có nhiều tiến bộ, được xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học, tỉ mỉ, chi tiết, có tính ứng dụng cao. 2 giải nhất, 6 giải nhì, 16 giải ba và 16 giải khuyến khích được Ban tổ chức trao hoàn toàn xứng đáng; 6 dự án tốt nhất được lựa chọn tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật toàn quốc dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017.

Nổi bật nhất là dự án “Hệ thống giám sát, phát hiện và cảnh báo cháy rừng” của em Lê Việt Hùng (Trường THPT Chuyên Sơn La). Ưu điểm là phát hiện sớm xảy ra cháy rừng bằng phần mềm xử lí ảnh, khả năng thu thập hình ảnh từ trên cao (kết hợp cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió, cảm biến bức xạ nhiệt), phục vụ công tác quản lí rừng tại địa phương. Đưa ra dự báo mức độ có thể xảy ra cháy rừng bằng một bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng; cung  cấp website phục vụ giám sát, quản lí rừng. Hệ thống còn bao gồm bảng cấp dự báo cháy rừng, nhận tín hiệu điều khiển, có khả năng phát đi các đoạn âm thanh cảnh báo tương ứng với từng  cấp nguy cơ xảy ra cháy rừng và đèn led hiển thị cấp độ tương ứng. Với những ưu điểm đó, dự án đã đoạt giải nhất. Chủ nhân dự án, em Nguyễn Việt Hùng chia sẻ: Em mong dự án của mình sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế giúp ngành kiểm lâm, chủ rừng quản lý bảo vệ rừng thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, đánh giá: Cuộc thi là sân chơi bổ ích, khơi dậy đam mê nghiên cứu sáng tạo khoa học cho các em học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều sản phẩm, dự án thực sự hữu ích có tính ứng dụng cao đã thể hiện chất lượng giáo dục đào tạo ở các trường ngày được nâng lên, học sinh đã biết áp dụng những kiến thức được học vào thực tế, tạo ra những sản phẩm khoa học hữu ích; khẳng định năng lực sáng tạo của học sinh trung học trong tỉnh, khi được tổ chức, động viên thì có thể phát huy và sánh vai với học sinh trong toàn quốc. Cuộc thi góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh, đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên hướng dẫn trực tiếp cho học sinh.

Dù vậy, cuộc thi vẫn còn một số hạn chế như: một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật cho học sinh nên dự án tham gia chỉ dừng lại ở ý tưởng chung chung, nặng về lý thuyết, chưa mang tính ứng dụng thực tế... Để khắc phục, Sở Giáo dục - Đào tạo đã yêu cầu các đơn vị giáo dục đưa nội dung nghiên cứu khoa học vào kế hoạch năm của từng trường; tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cuộc thi tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh; khuyến khích tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo nghiên cứu khoa học của học sinh trong toàn tỉnh, để ngày càng có nhiều dự án mang tính ứng dụng cao trong đời sống.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới