Khai mạc Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững

Sáng 30/3, tại TP Huế (Thừa Thiên Huế), Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững chính thức được khai mạc. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội nghị có 180 đại biểu trong và ngoài nước từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế và khu vực như UNESCO, Trung tâm học tập suốt đời của ASEM, Diễn đàn sáng tạo và khởi nghiệp, Quỹ Á – Âu… Hội nghị cũng chào đón Tổng Thư ký ASEAN, Thứ trưởng Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, Giám đốc Văn phòng UNESCO phụ trách Giáo dục khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, đại diện Trung tâm học tập suốt đời của ASEM, Đại sứ, Lãnh đạo một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu có uy tín của Á – Âu; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo UBND tỉnh và Lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan của 19 tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên, Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và 18 Hiệu trưởng của các trường đại học hàng đầu Việt Nam cùng tham dự. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Giáo dục đào tạo là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và điều đáng nói là trong 16 mục tiêu còn lại, chúng ta đều thấy ít nhiều có liên quan tới giáo dục và đào tạo. Theo Phó Thủ tướng, trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực có tri thức, công nghệ ngày càng có tính quyết định.  Gần đây mọi người nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với nhiều ngành sản xuất, phương thức sản xuất, nhân công sẽ phải thay đổi, buộc phải đào thải, được thay thế. Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây sẽ có những ngành nghề mới, cách làm mới, nguồn nhân lực mới sẽ ra đời, sẽ phát triển. Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Ai là người sẵn sàng cho sự thay đổi đó sẽ giành được lợi thế. Ngược lại sẽ tụt lại phía sau. Đổi mới giáo dục, đào tạo đã luôn quan trọng lại càng quan trọng. Không chỉ với các nước đang phát triển mà ngay cả với các nền kinh tế, nền  giáo dục phát triển nhất. Phó Thủ tướng lưu ý, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng lần thứ 4, sự thay đổi, thay thế lần này sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những lần trước. Vì thế đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ quan trọng hơn mà còn bức thiết hơn. Phó Thủ tướng nhận định: Giáo dục, đào tạo phải tiếp tục sứ mệnh khai mở trí tuệ, bồi dưỡng nhân văn để phát triển con người toàn diện về đức - trí - thể - mỹ; để mỗi người, mọi người (đặc biệt là những người nằm trong nhóm yếu thế) đều được bình đẳng về cơ hội tiếp cận, học tập suốt đời, học để biết, để làm, để tồn tại, để chung sống. Đặc biệt, giáo dục đào tạo hơn lúc nào hết cần khơi dậy hứng khởi, để học sinh, sinh viên và mọi người vào đam mê học hỏi, tìm tòi cuộc sống, thế giới quanh mình; đam mê để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, sáng tạo tri thức, công nghệ mới…  để lập thân, lập nghiệp, cống hiến. Phó Thủ tướng cho rằng, không chỉ là kiến thức, là khoa học, là công nghệ, trong thế giới biến động như hiện nay với những thách thức toàn cầu như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh mới… cũng ngày càng gắn kết và tùy thuộc lẫn nhau đòi hỏi một thế hệ công dân toàn cầu có trình độ và ý thức trách nhiệm không chỉ với cộng đồng, dân tộc, đất nước mình mà với những vấn đề chung của thế giới, với tương lai của văn minh nhân loại, của hành tinh này.

Quang cảnh Hội nghị sáng 30/3

"Nhìn lại chặng đường hai thập kỷ phát triển, chúng ta có thể tự hào ASEM đã đóng vai trò quan trọng trong kết nối các nhà nước, Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân ở hai châu lục vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng. ASEM cũng đã góp phần tích cực thúc đẩy giáo dục và xây dựng nguồn nhân lực ở hai châu lục Á – Âu. Nổi bật là việc tổ chức định kỳ các Hội nghị Bộ trưởng giáo dục, Hội nghị Bộ trưởng về Lao động việc làm, lập các Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM về đào tạo nghề và phát triển nhân lực...Nhiều sáng kiến, dự án về giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được các quốc gia thành viên khởi xướng, thúc đẩy như các dự án của Quỹ Á – Âu, các sáng kiến về đổi mới giáo dục trong kỷ nguyên số, về năng lực sáng tạo và khởi nghiệp v.v… đã đem lại động lực, sắc màu sáng mới trong quan hệ hợp tác và trong giáo dục, đào tạo”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng cho rằng: Những nỗ lực và kết quả hợp tác ấy cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, được nhân rộng hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển khi cuộc cách mạng 4.0 diễn ra, khi thế giới ngày càng phẳng hơn, nhỏ hơn với nhiều thời cơ và cả những thách thức đan xen hơn. Đặc biệt tại Hội nghị cấp cao ASEM 11 năm 2016, các nhà lãnh đạo ASEM đã cam kết tăng cường hợp tác để thúc đẩy giáo dục, đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là thanh niên để khởi nghiệp và đảm bảo việc làm ổn định. Cam kết rất chiến lược này không chỉ đảm bảo cho tương lai hợp tác ASEM ngày càng bền vững, hiệu quả; để các thành viên nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng 4.0 mà còn là đóng góp của ASEM cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững. Đây là lúc chúng ta cần hành động để thực hiện cam kết đó và Hội nghị này là một hành động cụ thể. “Tôi mong rằng các diễn giả, các đại biểu sẽ thảo luận, đưa ra được nhận thức chung về tư duy, cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về đổi mới giáo dục đào tạo để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đồng thời vẫn đảm bảo tính bao trùm, công bằng, bình đẳng với nhóm yếu thế. Tôi cũng mong rằng tại Hội nghị này nhiều kinh nghiệm đổi mới sẽ được trao đổi, phân tích; nhiều sáng kiến khuyến nghị được đưa ra. Đặc biệt là liên quan tới các giải pháp thúc đẩy kết nối các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM và cả ASEM với các đối tác, tăng cường  hợp tác công – tư, sáng tạo và chuyển giao công nghệ (nhất là công nghệ trong giáo dục đào tạo), xây dựng xã hội học tập và đề xuất “Chương trình Nghị sự về kỹ năng ASEM thế kỷ 21”. Kết quả của Hội nghị này cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 sắp tới ở Seoul và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels vào năm sau”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết. Được biết, Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững lần này là sáng kiến của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với sự đồng bảo trợ của 5 nước thành viên gồm: Hà Lan, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc, được Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 11 (tại U-la-ba-to, Mông Cổ diễn ra hồi 7/2016) thông qua. Hội nghị ASEM về giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực lần này sẽ diễn ra trong 2 ngày (30-31/3). Hội nghị dự kiến sẽ có 8 hoạt động, trong đó có 4 phiên, tập trung trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các nội dung: Vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững: những kỹ năng mới, yêu cầu mới của công việc trong thời đại số; cơ hội, thách thức và vai trò của các bên liên quan, như các nhà hoạch định chính sách, các nhà giáo dục, quỹ đầu tư, doanh nghiệp….;  thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu, điển hình Á – Âu trong thúc đẩy giáo dục sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục xuyên quốc gia, đào tạo nghề, tự chủ đại học…; từ tầm nhìn đến hành động: Tăng cường hợp tác Á – Âu trong lĩnh vực giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững, đề xuất biện pháp cụ thể về hợp tác ASEM. Cũng tại Hội nghị, Ban tổ chức sẽ thông qua Báo cáo trình các khuyến nghị Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 (Seoul, 9 – 10/5/2017), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 13 (Myanmar, 20 – 21/11/2017) và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 (Bỉ, 2018). 

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới