Ngày 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Dự và chủ trì Hội nghị có Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại điểm cầu tỉnh ta, dự Hội nghị có đồng chí Phạm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; hiệu trưởng và đại diện giáo viên các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại điểm cầu tỉnh Sơn La.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Chương trình gồm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp, thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học; đồng thời thiết kế một số môn học theo các chủ đề, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn những chủ đề phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình.
Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có nhiều thay đổi so với chương trình hiện hành. Chương trình sẽ chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành, giảm số môn học và tiết học. Cụ thể về thời lượng tiết học theo chương trình mới, ở bậc tiểu học giảm từ 2,7 giờ/buổi xuống còn 1,8 giờ/buổi; ở bậc THCS thời lượng học giảm 53,3 giờ; ở bậc THPT thời lượng học giảm 315 giờ, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm, vui chơi, giải trí.
Phát biểu tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Chương trình giáo dục phổ thông mới vừa kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời khắc phục những bất cập của các chương trình trước đây. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành Trung ương phối hợp với các địa phương chuẩn bị các điều kiện, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên để thực hiện chương trình mới theo lộ trình; tổ chức và chỉ đạo các địa phương bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình mới; hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định về đánh giá học sinh... để các hoạt động triển khai chương trình mới đạt chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!