Nhân dịp xuân Đinh Dậu, chúng tôi có dịp trò chuyện với Nhà giáo ưu tú Trần Luyến, Phó Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh tại Văn phòng Hội.
Nhà giáo ưu tú Trần Luyến, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Bên chén trà Tà Xùa thơm ngát, một loại chè đặc sản của vùng cao Bắc Yên, với giọng trầm, ấm áp ông kể: Tôi sinh năm 1941, quê ở xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Một vùng quê có truyền thống hiếu học, khoa bảng từ hàng trăm năm trước. Năm 1959, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, tôi xung phong lên Tây Bắc làm giáo viên cắm bản ở huyện Thuận Châu. Ngày đầu gian khó, vừa dạy chữ phổ thông, vừa học tiếng dân tộc, cùng ăn, cùng ở với bà con để tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào vùng Tây Bắc. Không bao lâu, đã nói thành thạo và viết được chữ Thái, được người dân quý mến như những người con của bản, nên việc dạy chữ cho đồng bào các dân tộc có nhiều thuận lợi. 10 năm sau, tôi chuyển công tác về Ty Giáo dục Sơn La. Sau đó, đã trải qua nhiều cương vị: Phó Văn phòng tỉnh ủy Sơn La, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La. Năm 2008, được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước, năm 2001 tôi nghỉ hưu, ban đầu dự tính cho mình một cuộc sống an nhàn, vui vầy cùng con cháu ở một bản làng yên tĩnh. Nhưng những hình ảnh về học sinh nghèo cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm... cùng hình ảnh người nông dân thiếu kiến thức làm ăn cứ đeo bám mãi tâm trí khiến tôi không dừng bước, lại tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục.
Được biết: Trong 76 năm cuộc đời thì có hơn 40 năm ông gắn bó với công tác giáo dục và khuyến học. Dường như Nhà giáo ưu tú Trần Luyến “nặng duyên” với nghiệp dạy học, với truyền thống hiếu học của tỉnh nhà. Vì vậy, năm 2001 vừa nghỉ hưu, ông đã được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh. Tại Đại hội lần thứ V - Hội Khuyến học Việt Nam vừa qua, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nhiệm kỳ 2016-2021. Nhà giáo ưu tú Trần Luyến chia sẻ: Làm khuyến học, khuyến tài phải có nhiệt huyết, nghĩa tình. Đồng thời, phải có tâm, có tầm, có thời gian và phải có tài dân vận để huy động nhiều lực lượng tham gia đóng góp cho khuyến học, để hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo vươn lên, khuyến khích giáo viên, học sinh dạy tốt, học tốt. Tôi chỉ mong mọi người quan tâm đến việc học, rèn đức luyện tài của con em, để các cháu có tinh thần ham học hỏi, có kiến thức lập thân, lập nghiệp.
Để thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh phong trào “học tập suốt đời”, ông cùng các thành viên trong Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh họp bàn, thống nhất kế hoạch cho từng giai đoạn với những nội dung cụ thể, sát thực; tham mưu với lãnh đạo các cấp chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...; đến từng xã, thị trấn, trực tiếp gặp các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động thành lập chi hội khuyến học, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế. Đặc biệt, 15 năm qua, toàn tỉnh đã có 11 đề tài khoa học về khuyến học, khuyến tài từ cấp ngành đến cấp tỉnh được ứng dụng vào thực tế; có 3.078 chi hội khuyến học, hơn 277.000 hội viên, chiếm trên 23% số dân trong tỉnh; trên 104.000 gia đình hiếu học, 127 dòng họ hiếu học, 1.115 tổ bản, 42 xã được công nhận cộng đồng khuyến học; các xã, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân.
Bằng sự ảnh hưởng của mình, ông đã vận động sự ủng hộ của các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tài trợ, xây dựng quỹ khuyến học. Do vậy, mạng lưới khuyến học đã phát triển mạnh từ tỉnh đến cơ sở, các quỹ khuyến học ở chi hội tổ, bản, dòng họ, hội đồng hương đều có từ 5 - 50 triệu đồng; quỹ khuyến học ở xã có từ 10 - 500 triệu đồng; quỹ hội huyện, thành phố 300 - 800 triệu đồng... 5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được hơn 18 tỷ đồng góp vào quỹ khuyến học, cùng với hàng chục công trình xây dựng trường lớp học, hàng trăm máy tính, xe đạp, xe lăn, chăn ấm, sách vở, quần áo được chuyển đến tận tay học sinh nghèo, học sinh hiếu học. Đồng thời, số tiền quyên góp đã được các cấp hội thường xuyên khen thưởng, cấp học bổng, trợ giúp học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong 5 năm qua là trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra còn vận động ủng hộ bằng nhiều hình thức như: Hiến đất xây dựng trường học; vườn cây, nương ngô, ao cá khuyến học và các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đến trường...
Trong quá trình công tác và hoạt động xã hội, với sự tận tâm, nhiệt tình, Nhà giáo ưu tú Trần Luyến luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chiến sỹ thi đua toàn quốc, danh hiệu Nhà giáo ưu tú... Nhưng với ông, niềm vui lớn nhất vẫn là truyền thống hiếu học của tỉnh nhà được tiếp nối, ngày càng phát triển, con em các dân tộc thành đạt, mang kiến thức, trí tuệ đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng bản làng giàu đẹp, đất nước phồn vinh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!