Gieo “ước mơ xanh” cho học sinh vùng biên giới

Huyện Sốp Cộp hiện có hơn 16.000 học sinh các cấp, trong đó trên 81% là người dân tộc thiểu số, như: Thái, Lào, Mông, Khơ Mú...; nhằm giúp các em học sinh vùng cao có môi trường học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng học tập, thực hiện ước mơ của mình, Huyện Đoàn Sốp Cộp đã phát động ĐVTN tham gia xây dựng mô hình “ước mơ xanh”.

ĐVTN xã Nậm Lạnh hướng dẫn các em học sinh điểm trường bản Phổng ôn lại bài học.

Trong những ngày tháng 3 sôi nổi diễn ra các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, chúng tôi đến xã Mường Lạn, nơi khởi nguồn mô hình “ước mơ xanh”. Trời tối thẫm, chúng tôi cùng cán bộ Chi đoàn bản Nà Vạc đi kiểm tra việc học tập của các bạn học sinh trong bản, nhiệt độ xuống thấp, tiết trời khá lạnh, bản vùng cao Nà Vạc chìm trong màn sương, nhưng ánh điện trong các nếp nhà sàn vẫn sáng. Không gian yên ắng, tuyệt nhiên không hề có bất cứ tiếng chương trình tivi hay radio nào. Đem thắc mắc hỏi Bí thư Đoàn xã Giàng Bả Lầu, được biết không phải vì bản nghèo nên không có tivi, không có đài, mà là vì các hộ dân trong bản đã ký cam kết không bật tivi, hoặc bật nhỏ tiếng từ 19 đến 21 giờ để các em học sinh học bài. Đây là một trong những tiêu chí mà mô hình “ước mơ xanh” của Đoàn xã Mường Lạn xây dựng.

Chúng tôi tới nhà em Vì Văn Dinh, học sinh lớp 2A điểm trường Nà Khi (Trường PTDT bán trú Tiểu học Mường Lạn). Đây là gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà đông con, kinh tế phụ thuộc cây ngô, cây sắn trồng trên nương. Bước vào trong nhà, chúng tôi thấy Dinh ngồi ngay ngắn học bài bên chiếc bàn gỗ, trên tường dán khá nhiều giấy khen về thành tích học tập của em. Ông Vì Văn Ba, bố Dinh bảo: Trước đây, gia đình tôi chẳng mấy quan tâm việc học của các con, cho chúng đến trường học là tốt rồi; ngoài giờ học thì phải theo bố mẹ đi làm nương. Được cán bộ Đoàn xã, Ban quản lý bản tuyên truyền, bây giờ buổi tối nhà tôi không mở đài hay tivi, mà nhắc nhở các cháu nhớ học bài. Ngoài cháu Dinh, ba anh chị cháu cũng đều đang học ở xã, ở huyện cả.

Được biết, từ năm 2014, Đoàn xã Mường Lạn đã tổ chức thực hiện mô hình “ước mơ xanh” ở bản Nà Vạc và Nà Ản, đến nay, đã mở rộng ra 9 chi đoàn, thu hút các hộ dân ký cam kết xây dựng góc học tập cho con em, đảm bảo giờ học buổi tối cho các em từ 19 đến 21 giờ. Bên cạnh đó, các chi đoàn hỗ trợ xây dựng trên 30 góc học tập cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, trao tặng hàng nghìn cuốn sách, truyện, vở, bút... trị giá khoảng 3 triệu đồng.

Đến xã Nậm Lạnh, chúng tôi cũng nhận rõ hiệu quả mô hình “ước mơ xanh” thông qua sự háo hức của các em học sinh bán trú điểm trường bản Phổng (Trường PTDT bán trú TH - THCS Nậm Lạnh), trong buổi học kèm vào chiều thứ 5 hằng tuần, do Đoàn xã phối hợp với nhà trường thực hiện. Chúng tôi hết sức bất ngờ khi từ phòng ở, đến ghế đá ngoài sân trường, ở đâu cũng có thể là nơi để các em học bài dưới sự hướng dẫn của các anh chị ĐVTN.

Các em học sinh vùng cao, đa số là người dân tộc thiểu số thường sử dụng tiếng dân tộc của mình trong giao tiếp, nên hầu hết đều yếu môn Tiếng Việt, vì thế, không chỉ tuyên truyền, vận động phụ huynh ký cam kết quản lý học sinh vào buổi tối, xây dựng góc học tập cho các em..., Đoàn xã Nậm Lạnh còn phân công cán bộ phối hợp kèm các em học sinh học yếu vào buổi tối tại nhà và chiều thứ 5 hằng tuần tại điểm trường bản Phổng.

Từ kết quả mô hình điểm tại xã Mường Lạn, huyện Đoàn Sốp Cộp đã triển khai rộng rãi trên 8/8 xã. Trong đó, có nội dung vận động phụ huynh tạo môi trường học tập tốt nhất cho con em; phối hợp kiểm tra, giám sát các em học sinh THCS buổi tối; hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn đóng bàn học, sách vở, đèn học, tập viết... Dù mô hình mới triển khai được 8 tháng, nhưng đã tổ chức 5 buổi tình nguyện chăm sóc vệ sinh cá nhân cho hơn 2.000 lượt học sinh; hỗ trợ xây dựng trên 50 góc học tập cho các em học sinh nghèo hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ sách vở, bút, dụng cụ học tập cho học sinh các bản vùng cao... Đặc biệt, chính quyền các xã, bản và phụ huynh hưởng ứng rất nhiệt tình, trên 12.500 hộ dân đã ký cam kết, cán bộ Đoàn xã đều tổ chức kiểm tra, giám sát việc học tập của học sinh.

Chứng kiến những hoạt động rất thiết thực từ mô hình “ước mơ xanh” của Huyện Đoàn Sốp Cộp, chúng tôi tin những ước mơ của học sinh vùng cao sẽ được chắp thêm cánh, trở thành hiện thực trong tương lai gần.

Thu Hằng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới