Gieo chữ trên đỉnh Sam Quảng

Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, vượt hơn 70 cây số, chúng tôi đến điểm trường Sam Quảng, xã Mường Lèo, một trong những điểm bản xa và khó khăn nhất của huyện Sốp Cộp, nhưng nơi đây, kết quả giảng dạy và học tập của thầy và trò lại được đánh giá cao.

 

Cô giáo điểm trường bản Sam Quảng, xã Mường Lèo hướng dẫn học sinh làm vệ sinh cá nhân.

Điểm trường nằm ở trung tâm bản, nhà lớp học mới lợp mái ngói đỏ tươi, ẩn dưới lớp sương mờ, xung quanh là những nếp nhà của đồng bào dân tộc Mông trong bản. So với các bản vùng cao khác ở Sốp Cộp thì Sam Quảng lạnh hơn bởi tọa lạc trên độ cao 1.200 m so mặt nước biển. Vậy mà đa số các em học sinh ở đây vẫn phong phanh chiếc áo mỏng, có lẽ các em đã quá quen sự khắc nghiệt của thời tiết vùng cao này. Đón chúng tôi là cô giáo mầm non Lèo Thị Khương, cô giáo chia sẻ: Lớp mầm non ở đây có 27 cháu, gồm 3 độ tuổi, hiện giờ các cháu vẫn đang phải học ở lớp tạm. Trên này lạnh lắm, nhưng học sinh không có đủ quần áo ấm, thương lắm. Thời tiết ở đây thất thường, có thể mưa bất cứ lúc nào, nhưng giáo viên chúng tôi, trời có mưa hay nắng cũng vẫn bám lớp, bám trường.  Điều mừng là dân bản Sam Quảng bây giờ rất quan tâm tới việc học của con trẻ, vì thế các cháu chịu khó học chữ lắm... Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhà cô giáo Khương ở trung tâm xã Mường Lèo, chỉ cách bản Sam Quảng chừng 13 km đường rừng, nhưng tuần nào cô cũng ở lại lớp, phần vì các cháu, phần vì con đường rừng đi - về còn lắm gian nan. 

Nói về tình cảm của bà con vùng cao dành cho giáo viên, cô Khương bảo: Đã nhiều năm dạy ở các bản vùng cao của Mường Lèo, tôi cảm nhận rõ tình cảm của bà con, họ đã coi chúng tôi như người nhà, thỉnh thoảng người thì cho quả bí, người biếu chút gạo nương, ít rau rừng... Xúc động hơn, tụi trẻ bây giờ còn biết hái hoa rừng tặng thầy cô giáo nhân dịp 20/11. Bởi vậy, đã 8 năm dạy ở vùng cao, bao nhiêu khó khăn vất vả trải qua, nhưng chưa bao giờ tôi thấy nản lòng, chỉ mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn nữa tới giáo dục ở vùng cao này.

Còn anh Giàng A Lộng, Trưởng bản Sam Quảng, rất vui khi nói về những giáo viên ở bản: Các thầy cô ở đây nhiệt tình lắm, họ coi con cháu chúng tôi như con của họ. Con em trong bản cháu nào cũng biết chữ, biết múa, ngoan ngoãn và vâng lời bố mẹ. Cả bản có 49 hộ, trước đây, 100% số hộ trong bản đều thuộc diện nghèo, nhiều người nghiện hút, tham gia buôn bán ma túy, họ không biết canh tác, cấy trồng cây gì, nuôi con vật nào cho phù hợp. Bây giờ thì khác, nhờ biết chữ mà dân bản đã biết làm ruộng nước, hạn chế phá rừng làm nương, nhà nào cũng làm được vườn rau, biết chăn nuôi... Đến nay, bản chỉ còn hơn chục hộ nghèo thôi. Con đường lên bản đang được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, đường điện lưới quốc gia vừa mới kéo về bản hồi tháng 9, lớp học mầm non cũng đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 12 này. Dân bản vui lắm, có điện, có đường thì việc học cái chữ của con em mình sẽ đỡ vất vả hơn nhiều...

Tìm hiểu được biết, do một số học sinh ở xa trường, lớp, nên sáng nào cũng vậy, giáo viên phải dậy sớm để đón các em tới lớp. Gần dân, bám bản, nhất là sự kiên trì dạy chữ cho trẻ của các thày cô, đã giúp người dân nơi đây hiểu được sự cần thiết của giáo dục, nên bà con ai cũng yêu quý, trân trọng các thầy cô. Khó khăn đặc thù của việc dạy chữ ở vùng cao là cơ sở vật chất thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, rào cản ngôn ngữ... Thế nhưng, học sinh luôn đến lớp đầy đủ, kết quả học tập tốt, đội ngũ giáo viên luôn vượt khó để mang chữ lên non. Sam Quảng có 25 học sinh lớp 1, 2 và 27 học sinh mầm non. Năm nào cũng được đánh giá là điểm trường có chất lượng giáo dục tốt. Trao đổi với bà Tòng Thị Quyên, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sốp Cộp, được biết: Việc duy trì sỹ số học sinh ở vùng cao là không hề đơn giản, nhưng các giáo viên ở Sam Quảng luôn duy trì 100% sỹ số, chất lượng trẻ mầm non luôn đạt yêu cầu, học sinh tiểu học lên lớp đạt 100%. Có được kết quả như vậy, nhà trường đã phân công những giáo viên có tâm huyết với nghề, đặc biệt là biết nói tiếng dân tộc đến các điểm vùng cao khó khăn; xây dựng phương pháp học đơn giản, phù hợp với địa phương; chú trọng việc tuyên truyền, vận động các phụ huynh quan tâm tới việc học của con trẻ, vì thế, chất lượng giáo dục, việc duy trì sỹ số ở đây luôn đảm bảo.

Đã nhiều lần lên với Sam Quảng, mỗi lần đều mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau và lần này cũng vậy: Điện lưới đã có, đường về bản đang dần hình thành, lớp học đang được xây dựng mới... Chúng tôi tin việc dạy và học của thầy và trò nơi đây sẽ đạt được kết quả cao hơn, đáp ứng mong muốn bấy lâu của bà con các dân tộc vùng cao.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới