Giáo dục địa phương là một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và được triển khai tại tỉnh Sơn La từ tháng 11/2021 ở khối lớp 6. Đây là môn học mang tính mở, giúp học sinh có ý thức tìm hiểu về nơi mình sinh sống, thêm yêu quê hương, đất nước, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trường tiểu học và THCS Mường Lựm, huyện Yên Châu giáo dục truyền thống cho học sinh tại di tích địa điểm thành lập chi bộ đầu tiên của huyện.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, thành phố Sơn La, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, bắt đầu từ kỳ II năm học 2021-2022, nhà trường đã đưa nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP) vào giảng dạy đối với lớp 6. Trong đó, đã xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí giáo viên giảng dạy, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn để tiếp cận chương trình. Đối với khối 7, 8, 9, chưa áp dụng chương trình GDĐP, nhà trường sẽ khuyến khích giáo viên tiếp tục tích hợp, lồng ghép vào giảng dạy cùng môn ngữ văn, địa lý, lịch sử...
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, nội dung GDĐP là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương, bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước, trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nội dung GDĐP có vị trí tương đương với các môn học khác với thời lượng 35 tiết/năm.
Để biên soạn và triển khai nội dung GDĐP, Sở GD&ĐT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức biên soạn và triển khai nội dung GDĐP; thành lập Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định với thành viên là những nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên am hiểu các vấn đề về địa phương để xây dựng tài liệu; tổ chức hội thảo, góp ý cho nội dung tài liệu... Đồng thời, phối hợp với Dự án THCS vùng khó khăn nhất giai đoạn 2 để được hỗ trợ biên soạn tài liệu cấp THCS; ký hợp đồng với Công ty cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Miền Bắc để biên soạn tài liệu cấp tiểu học, THPT.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, cho biết: Đến thời điểm này, tài liệu GDĐP theo chương trình giáo dục phổ thông mới của lớp 6 đã hoàn thiện. Các nội dung biên soạn trên nguyên tắc bám sát quy định của Bộ GD&ĐT. Mỗi chủ đề trong tài liệu GDĐP được thiết kế theo từng bài học cụ thể, thông tin chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường... trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở tài liệu được phê duyệt, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn triển khai đến 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS với các nội dung chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; kiểm tra đánh giá... Khuyến khích các trường tổ chức dạy theo chủ đề, lĩnh vực; tăng cường tính thực hành, trải nghiệm thông qua các hoạt động tập thể, tham quan thực tế, dự án học tập, hoạt động phục vụ cộng đồng, để bồi đắp cho học sinh tình yêu và ý thức tìm hiểu về quê hương Sơn La.
Tại huyện Mộc Châu, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã chủ trì soạn thảo bộ tài liệu riêng về lịch sử huyện, bổ sung cho chương trình GDĐP cùng với tài liệu chung của Sở GD&ĐT cung cấp. Nội dung nhấn mạnh về lịch sử truyền thống của huyện, nhất là những sự kiện gắn với các địa danh, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn. Cùng với việc giảng dạy lịch sử địa phương, các nhà trường còn tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ gắn với nội dung học tập trên lớp, nhất là những hoạt động thực tế, mang tính trải nghiệm, khuyến khích học sinh tự giác tìm hiểu về vấn đề đã học trên sách vở. Mỗi trường nhận đăng ký chăm sóc một di tích lịch sử địa phương, có địa điểm gần trường. Đơn cử như Trường tiểu học &THCS Tây Tiến đăng ký chăm sóc Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ; Trường THCS 8/4 nhận chăm sóc Di tích lịch sử - văn hóa Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu; các trường học ở xã nhận chăm sóc nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của địa phương...
Tuy còn nhiều khó khăn và hạn chế do lần đầu tiên biên soạn sách giáo khoa dạy học, thiếu nguồn tư liệu, kinh phí, nhưng nội dung GDĐP sẽ là môn học thiết thực, ý nghĩa, giúp các em học sinh hiểu về truyền thống lịch sử, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước và có ý thức hơn trong rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập để trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng quê hương Sơn La ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!