Ghi ở Trường Mầm non Sơn Ca

Sam Kha những ngày cuối năm, cái giá lạnh đặc trưng của vùng cao Sốp Cộp như thấu tận xương, nhưng trên những con đường gập ghềnh, những ngọn núi cheo leo đẫm ướt sương mù, những giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca vẫn ngày ngày đến các điểm trường bởi tình yêu thương các cô dành trẻ nhỏ nơi vùng cao còn nhiều khó khăn này.

 

Góc học tập với những đồ dùng làm từ phế liệu của cô và trò điểm trường Huổi My.

Ở đây, điểm trường mầm non xa nhất ở tận bản Huổi My, cách trung tâm xã Sam Kha tới 20 cây số đường rừng. Cô giáo Quàng Thị Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, kể với chúng tôi: Trường có 10 điểm lẻ thì 9 điểm giao thông hết sức cách trở; hiện vẫn còn 4 lớp học tạm, 2 lớp phải mượn nhà văn hóa bản. Xã hội hóa giáo dục ở đây khó lắm, bởi 100% hộ dân đều thuộc diện nghèo, việc thu phí để cải thiện chất lượng dạy và học chưa bao giờ chúng tôi nghĩ tới”. Mùa này, đi lên các điểm trường dễ hơn mùa mưa, nhưng sẽ phải gánh rất nhiều bụi. Cũng may, đoạn đường khoảng 4 cây số ghồ ghề toàn đá, với nhiều dốc tức, vực sâu đã được cán bộ, chiến sỹ Đoàn 326 đổ bê-tông nên bớt khó khăn đi nhiều. Tuy nhiên, vẫn chưa có cầu qua suối, mà cầu treo thì đã hỏng, nên chỉ đi được mùa khô thôi. Bản Huổi My bây giờ có 58 hộ đồng bào dân tộc Mông rải rác bên các sườn núi, giữa bản là điểm trường vừa mới xây của chúng tôi.

Đón chúng tôi là cô giáo Phàn Thị Hà, 26 tuổi, là dân tộc Dao, quê ở tận Phù Yên. 3 năm gắn bó với Sam Kha thì cô Hà đã có 2 lần dạy ở điểm trường Huổi My này.  Cô bảo năm 2017, lần đầu lên đây, nhà lớp học chỉ là nhà tạm do người dân dựng lên, nhưng năm nay, 37 học sinh của cô đã được học trong nhà lớp học khang trang hơn. 100% số hộ ở đây thuộc diện nghèo, nên các cháu nhỏ thiếu nhiều thứ lắm, từ quần áo ấm tới đồ dùng học tập, trời lạnh là thế nhưng vẫn có cháu mặc áo phông, đi chân đất đến lớp. Ở đây cũng chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, chưa có điện, sóng điện thoại cũng không. Tuy vậy, gắn bó với nơi này, các cô luôn được phụ huynh ủng hộ, chia sẻ. Thấy nhà ở của cô giáo xuống cấp, tứ bề gió lùa, trời mưa trong nhà cũng như ngoài sân, các phụ huynh thay nhau đón cô giáo về sinh hoạt cùng gia đình, họ coi các cô như người nhà vậy.

Ở đây, chị em giáo viên bảo nhau tự tận dụng mọi thứ có thể để tạo ra góc học tập, làm thêm những đồ dùng, học cụ cần thiết chứ không trông chờ cấp phát từ trên. Bất cứ loại phế liệu nào chị em thấy trên đường, như chai, lọ, hộp xà phòng, lốp xe... đều được thu nhặt về và những đồ vật vô tri đó sẽ trở thành đồ dùng giảng dạy sống động trong các giờ học dưới những bàn tay khéo léo, cần mẫn. Thấy cô giáo vất vả, dân bản cũng góp sức, người thì góp ngày công, người thì góp nhặt phế liệu, người thì hiến đất xây lớp học... Cô giáo Hiệu trưởng nói thêm: Bên cạnh việc ngành giáo dục huyện vận động các mạnh thường quân đóng góp kinh phí xây dựng trường, lớp, tặng đồ dùng học tập,... thì năm học nào, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường cũng đứng ra đỡ đầu, giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mua sách vở, quần áo, chăn ấm... với mức từ 200-500 nghìn đồng. Mỗi giáo viên giúp đỡ từ 1 đến 3 cháu, tùy điều kiện từng người. Trẻ nào thiếu gì, các cô lại góp nhau để mua, có cô còn chia sẻ đồ dùng học tập, quần áo của con mình với trẻ vùng cao.

 Qua tìm hiểu được biết, Trường Mầm non Sơn Ca hiện có 26 giáo viên, nhân viên, đảm trách 16 nhóm lớp, với 310 trẻ, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 100%. Vượt lên khó khăn, trong số 17 giáo viên thì 11 giáo viên giỏi cấp trường. So với các năm học trước, chất lượng giáo dục đã được nâng lên rõ rệt, 100% giáo viên đều có cải tiến trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Nhà trường luôn tích cực tham mưu với các cấp lãnh đạo về tu sửa, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng được nhu cầu việc dạy và học trong nhà trường. Nhằm tạo cho giáo viên có tính chủ động, có nhiều biện pháp tích cực và hình thức sáng tạo trong các hoạt động chung, nhà trường thường xuyên tổ chức các hội thi “Hội thi làm đồ dùng đồ chơi tự tạo”, thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp trường... vừa rút ra nhiều kinh nghiệm về nâng cao chất lượng giáo dục, vừa tạo điều kiện để giáo viên thể hiện tài năng, học hỏi lẫn nhau, nâng cao năng lực sư phạm của từng giáo viên. Vui mừng hơn cả là nhiều năm liền, nhà trường không có trẻ suy dinh dưỡng, trẻ phát triển bình thường đạt 96%; thể chất, nhận thức, ngôn ngữ đều đạt từ 90% trở lên; bé chăm, bé ngoan, bé khỏe, bé sạch đều đạt 100%; tỷ lệ trẻ 5 tuổi đạt chuẩn đạt 100%...

Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng các giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca chưa bao giờ so sánh thiệt hơn, chưa bao giờ nản chí. Với họ, được tham gia ươm những mầm xanh, được dân bản tin tưởng, trẻ được chăm lo, yêu trường lớp... là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới