Sáng sớm, chúng tôi có mặt tại điểm Trường Mầm non Tà Số, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), những cơn gió may theo sương mù phả vào mặt buốt lạnh. Trong ánh sáng lờ mờ bởi lớp sương mù bao phủ, những người mẹ cõng con đến trường trên con đường đất gập ghềnh. Dù trong cái rét lạnh đầu đông, nhưng nét mặt các bé vẫn ánh lên niềm vui đến lớp, xúng xính trong những bộ váy, áo sặc sỡ màu sắc của đồng bào dân tộc Mông.
Điểm trường Mầm non Tà Số, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu).
Chỉ khoảng 30 phút là tất cả các em học sinh của 3 lớp mầm non thuộc điểm trường Mầm non Tà Số có mặt đầy đủ tại lớp học. Ngày học mới của cô, trò điểm trường thường bắt đầu từ 6 giờ sáng. Không ba lô quần áo lỉnh kỉnh, không bánh, sữa, đồ mang theo đến lớp của các em nhỏ nơi đây chỉ là nắm xôi, gói cơm với chút vừng mặn. Việc đầu tiên của các cô giáo là rửa mặt, chân tay và lau quần áo cho các em bị dính bùn, đất trước khi vào lớp. Khi các em đã ổn định vào chỗ ngồi, các cô bắt đầu kiểm tra sĩ số và cho các em ăn sáng. Bữa sáng tuy đơn sơ nhưng chứa đầy tình cảm của cô. Tiếng cô, trò ríu rít như xua tan đi cái lạnh giá nơi vùng cao.
Cô giáo Lò Thị Xương, Tổ trưởng điểm trường Mầm non Tà Số, chia sẻ: Điểm trường Mầm non Tà Số có 3 lớp học (mẫu giáo bé, nhỡ và lớn) với 120 em học sinh. Năm 2015, tôi được phân công phụ trách điểm trường Mầm non Tà Số. Những ngày đầu nhận công tác với tôi là những kỷ niệm khó quên, đường từ quốc lộ 6 lên điểm trường Mầm non Tà Số khoảng 7 km, nhưng do đường có độ dốc lớn, mặt đường gồ ghề rất xấu nên ngày đầu tiên tôi phải mất đến 2 giờ đồng hồ vừa đi xe, vừa dắt bộ mới đến được điểm trường. Với quyết tâm không để các em học sinh bỏ học theo mẹ lên nương, tôi cùng các cô giáo của điểm trường đã đến từng nhà các em để vận động cha mẹ cho con em đến lớp. Đường đi lại trong bản khó khăn, thời gian đi vận động đa phần được thực hiện vào ban đêm, thời điểm phụ huynh từ nương trở về nhà. Gặp được phụ huynh rồi cũng chưa phải đã thành công, nhiều gia đình không quan tâm việc học hành của con em nên các cô phải giải thích, vận động các gia đình mới đồng ý cho các em đến lớp. Đặc biệt, có trường hợp trẻ sinh ra có giấy khai sinh nhưng chưa có tên trong sổ hộ khẩu hay tên trên giấy khai sinh và sổ hộ khẩu không trùng khớp, các cô lại phải hướng dẫn gia đình đi làm lại giấy tờ cho đúng để các em được đến lớp học.
Tà Số là bản vùng cao của xã Chiềng Hắc (Mộc Châu), 100% người dân trong bản là đồng bào dân tộc Mông. Là bản đặc biệt khó khăn nên điều kiện cơ sở vật chất của người dân trong bản còn nhiều thiếu thốn. Điểm trường mầm non Tà Số mặc dù có 3 phòng học nhưng một phòng học là mượn nhà văn hóa của bản, bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng học tập rất ít ỏi, cả điểm trường chỉ có 2 bộ đồ chơi xích đu và cầu thang do các cô giáo ở Trường Mầm non Chiềng Hắc ủng hộ; còn lại đồ chơi của các em đa phần do các cô tự làm.
Qua chia sẻ của các cô giáo đang công tác ở đây được biết: Một trong những khó khăn lớn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ. Những ngày đầu giao tiếp giữa cô và trò gần như chỉ bằng động tác mô tả, tạo niềm vui để các em quen trường, quen lớp, quen thầy cô và bạn bè. Ngoài ra, hết giờ lên lớp các cô giáo còn nhờ phụ huynh dạy tiếng Mông, qua những buổi học đó, các cô giờ đã có thể giao tiếp và giảng dạy bài cho các em.
Cô giáo Lò Thị Xương cho biết thêm: Lớp học ban ngày của các em cũng chính là nơi nghỉ ngơi của các cô. Do chỉ có 1 chiếc giường tầng nên đêm đến các cô phải trải chiếu ngủ ngay trên nền nhà lớp học. 6 cô giáo ở điểm trường Tà Số gắn bó như chị em ruột, tất cả cùng nhau nấu ăn, chăm sóc nhau mỗi khi trái gió trở trời. Thời gian các cô gắn bó với điểm trường nhiều hơn thời gian dành cho gia đình vì chỉ cuối tuần mới tranh thủ về thăm nhà.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cô và trò của điểm trường Mầm non Tà Số vẫn luôn cố gắng vươn lên, quyết tâm đem con chữ về bản vùng cao. Những tình cảm của cô và trò đơn sơ, mộc mạc nhưng chất chứa trong đó biết bao sự yêu thương. Quà tặng các cô nhân ngày 20-11 nơi đây chỉ là những bó hoa dong riềng, hoa dại của phụ huynh học sinh mang đến tặng; đôi khi là vài cân gạo, mớ rau... nhưng đó là niềm vui, động viên rất lớn đối với các cô giáo đã nhiều năm gắn bó với các em nhỏ ở Tà Số.
Chia tay cô, trò ở điểm trường Mầm non Tà Số, tình yêu nghề và tình yêu dành cho trẻ thơ của các cô giáo nơi đây, ngày đêm âm thầm vượt khó, chăm lo để các em có hành trang tốt nhất trước khi đến với các cấp học tiếp theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!