Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Một buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Để đạt được mục tiêu đó, Hội Nông dân các cấp đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Tính từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức 562 buổi tập huấn, tư vấn KHKT cho hơn 19.000 lượt hội viên nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng 23 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 12 lớp đào tạo nghề cho hơn 300 hội viên. Ngoài ra, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp như: Phân bón, giống theo hình thức trả chậm, máy nông nghiệp... với tổng trị giá trên 133 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất canh tác, giảm chi phí vật tư, công lao động, gia tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh đang triển khai 3 mô hình nuôi gà ứng dụng công nghệ sinh học cho các nhóm hộ nông dân tại các huyện: Sốp Cộp, Thuận Châu, Yên Châu. Các hộ tham gia được hỗ trợ giống, vắc-xin phòng bệnh; hướng dẫn vệ sinh, phun thuốc khử trùng và cách xây dựng chuồng trại thông thoáng, nền trại được xử lý theo công nghệ đệm lót sinh học, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh. Qua đánh giá mô hình nuôi gà ứng dụng công nghệ sinh học, đàn gà sinh trưởng rất tốt, so với chăn nuôi thông thường, nuôi gà ứng dụng công nghệ cho tỷ lệ gà nuôi sống trên 95%, chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, hạn chế nhiễm bệnh dịch, chất lượng sản phẩm được nâng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân...
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã vận động hội viên xây dựng mới 5 HTX, 12 tổ hợp tác, 2 chi hội nông dân nghề nghiệp, 8 tổ hội nông dân nghề nghiệp, thông qua môi trường lao động tập thể, đã đẩy mạnh việc trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thống nhất phương án sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu chi phí dịch vụ đầu vào như phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy móc và phương tiện sản xuất.
Để giúp hội viên có cơ hội tiếp cận với KHKT, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, Hội Nông dân còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh cho gần 45.600 hộ vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.100 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 1.338 hộ vay vốn, phát triển 172 dự án với tổng số tiền trên 46,2 tỷ đồng.
Chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật tiến bộ chính là giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ông Cầm Văn Minh
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh
Trong tháng 9/2020, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiến hành xây dựng 8 mô hình nhà màng trong canh tác nông nghiệp bền vững, 4 hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp tại các huyện, thành phố; tiếp tục phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, đồng thời, giới thiệu các giống cây, con mới đưa vào sản xuất, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao, giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.
Ông Lò Văn Quý
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu
Từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng tổ chức 89 cuộc hội thảo, tư vấn, tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thu hút trên 1.500 lượt hội viên tham dự.
Ông Quàng Văn Hồng
Bản Dẹ, xã Tông Lạnh, Thuận Châu
Được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội Nông dân các cấp tổ chức, tôi đã biết ứng dụng KHKT vào trồng và chăm sóc cây cam. Hiện nay, gia đình có hơn 900 gốc cam giống Cara ruột đỏ phát triển tốt, đã bắt đầu cho quả bói. Dự kiến sang năm sản lượng đạt 20kg/1 gốc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!