Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để không làm xáo trộn việc học, giúp học sinh có thể tự củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị trường học chủ động áp dụng các hình thức dạy học qua mạng Internet, truyền hình cho học sinh phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Học sinh sử dụng phần mềm Online Math học tập tại nhà.
Sau khi Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường học qua mạng Internet trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giúp học sinh trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì việc học tập, có thêm nhiều nguồn học liệu để khai thác và hỗ trợ việc tự học tại nhà, góp phần nâng cao chất lượng học tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 và tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, Sở GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai các hình thức dạy học qua mạng Internet, truyền hình; tổ chức quán triệt, tập huấn cho giáo viên về các phương pháp, kỹ thuật dạy học trực tuyến; giao nhiệm vụ để giáo viên khai thác các nguồn học liệu phù hợp hướng dẫn, hỗ trợ học sinh. Phối hợp với Đài PT-TH tỉnh tiếp sóng Đài PT-TH Hà Nội về các chương trình dạy học trên truyền hình đối với lớp 9 và lớp 12; khai thác, sử dụng kho học liệu trực tuyến tương tác đa chiều trên Online Math tại địa chỉ http://olm.vn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn; Kho bài giảng E-learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ http://elearning.moet.edu.vn; Kho bài giảng trên Kênh truyền hình giáo dục Quốc gia VTV7; hệ thống mạng xã hội học tập ViettelStudy; hệ thống học trực tuyến VNPT E-Learning. Chỉ đạo cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường học khẩn trương triển khai việc dạy học trên truyền hình tới toàn bộ học sinh; chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm khối lớp 9, lớp 12 cập nhật số điện thoại di động, địa chỉ facebook, zalo... của học sinh và phụ huynh để thông báo cho học sinh tham gia học tập theo lịch phát sóng hàng ngày...
Đến thời điểm hiện tại, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, các trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở GD&ĐT; chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy học qua mạng Internet, truyền hình cho học sinh phù hợp với khung thời gian dạy học thực tế. Đặc biệt, từ ngày 17/3/2020, toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên các đơn vị trường học làm việc tập trung tại trường trong giờ làm việc để vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, hỗ trợ học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình, vừa thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn. Đồng thời, tìm hiểu, nghiên cứu các công cụ, phần mềm, trang mạng có chất lượng để thiết kế, triển khai bài giảng trực tuyến và hướng dẫn học sinh tham gia học trực tuyến và tự học trên các đài truyền hình.
Kể từ khi các em học sinh được nghỉ học ở nhà để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, sáng nào cô Nguyễn Thị Thu Hương, giáo viên dạy toán, Trường THPT Chiềng Sinh (Thành phố) cũng đến trường để hướng dẫn các em học sinh học trực tuyến tại nhà. Cô Hương chia sẻ: Do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, tình trạng học sinh nghỉ học lâu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của các em. Giáo viên, tổ chuyên môn nhà trường đã giao bài qua email từng lớp; yêu cầu học sinh vào email nhận thông báo, bài tập và hoàn thành trong thời gian quy định. Những kiến thức nâng cao, học sinh sẽ trao đổi trực tiếp với giáo viên bộ môn hoặc tham khảo trên những trang web tự học do nhà trường cung cấp. Nhờ áp dụng phương pháp này, giáo viên các môn có thể hẹn giờ học với học sinh thông qua nhóm tương tác của lớp để thực hiện giảng bài trực tuyến. Qua đó, những vấn đề khó trong mỗi môn học sẽ được cô và trò trực tiếp trao đổi, giải đáp.
Em Phạm Song An, học sinh lớp 7C, Trường THCS Lê Quý Đôn (Thành phố), nói: Hằng ngày, em đều chủ động sắp xếp thời gian để cập nhật bài giảng trực tuyến của các thầy, cô giáo qua zalo, facebook, trang web của trường và lịch kiểm tra bài tập thông qua những phần mềm ứng dụng do thầy, cô giáo cung cấp. Việc học trực tuyến đã giúp em tự ôn tập, trau dồi kiến thức để sau khi trở lại trường vẫn tiếp thu bài giảng tốt nhất.
Chị Nguyễn Thị Thúy, phụ huynh có con đang học tại Trường THCS Nguyễn Trãi (Thành phố), cho biết: Rất may nhà trường và các thầy, cô giáo đã cung cấp tài khoản học trực tuyến cho các con. Trong thời gian nghỉ học, tôi vẫn giám sát và cho các con tự học theo các bài giảng, phiếu bài tập của giáo viên chủ nhiệm lớp gửi thông tin qua mạng xã hội, sau đó gửi lại cho giáo viên của con để đánh giá. Ngày nào cũng làm bài tập như vậy giúp con không bị quên kiến thức và giữ được nền nếp học tập. Đây là phương pháp học tập bổ ích, kịp thời và tôi hoàn toàn ủng hộ phương pháp học này.
Có thể thấy, việc dạy học qua mạng Internet và truyền hình giúp cán bộ quản lý, giáo viên các trường có cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Hoạt động này giúp tạo nền tảng cho việc phát triển đa dạng các hình thức dạy học hiện đại song song với hình thức dạy truyền thống, nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. Đây cũng là cơ hội để các em được trải nghiệm với hình thức học tập mới, rèn luyện được tính tự giác và ý thức trong học tập. Tuy nhiên, với địa bàn miền núi, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không đồng đều giữa các vùng, ở các trường học vùng sâu, vùng xa, việc áp dụng hình thức học trực tuyến vẫn còn khá mới mẻ và khó thực hiện. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học, các em ở độ tuổi này còn quá nhỏ để tiếp cận, làm chủ công nghệ, do đó thời gian tới, các nhà trường cần tăng cường phối hợp hơn nữa với phụ huynh trong việc giám sát học sinh học tập ở nhà, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập, chuẩn bị tốt để bắt nhịp với việc học khi quay trở lại trường tới đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!