Thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, tỉnh ta đã triển khai đại trà các mô hình học tập trên địa bàn toàn tỉnh.
Các đại biểu làm công tác khuyến học của tỉnh trao đổi nghiệp vụ.
Với nguồn kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng, tỉnh ta đã mở 3 lớp tập huấn cấp tỉnh, 1.044 lớp cấp huyện, xã, thu hút 64.620 người tham gia; phối hợp với Báo Sơn La, Đài PT-TH tỉnh mở chuyên mục “Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; phối hợp với Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Chi nhánh Sơn La xây dựng 168 tấm pa-nô cổ động tại 12 huyện, thành phố; biên soạn cuốn “Tài liệu thông tin tuyên truyền phổ biến về xã hội học tập”, in đĩa VCD có hình ảnh minh họa, bằng 2 thứ tiếng Mông, Thái làm tài liệu tuyên truyền cho cơ sở; mở Hội thảo cấp tỉnh về “Kinh nghiệm xây dựng, đánh giá, công nhận gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt chuẩn danh hiệu học tập”; phát động cuộc thi viết “Tìm hiểu về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”; tổ chức thành công Hội diễn văn nghệ quần chúng khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập toàn tỉnh lần thứ 2...
Qua 2 năm triển khai đại trà các mô hình học tập, tỉnh ta đã đạt được một số thành công, đã có 166.093 hộ gia đình, 513 dòng họ, 2.009 cộng đồng tổ bản, tiểu khu, 1.127 đơn vị (cơ quan, trường học, doanh nghiệp), 105 xã, phường, thị trấn đăng ký danh hiệu học tập. Hiện tại, 107.737 hộ gia đình đạt danh hiệu học tập, đạt 64,8% so đăng ký; 57,3% số dòng họ, 66,3% cộng đồng tổ bản, tiểu khu, 76, 4 % đơn vị, 55,2% xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu học tập. Thông qua triển khai đại trà các mô hình học tập, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đồng bộ hơn, nhận thức của người dân được nâng lên. Các mô hình học tập có tác động lớn đối với việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, làm cho tình làng nghĩa xóm được đề cao, khối đoàn kết các dân tộc được củng cố vững chắc, nhiều địa phương đã coi gia đình học tập là một tiêu chuẩn để công nhận gia đình văn hóa.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Khuyến học tỉnh, việc triển khai các mô hình học tập vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, như: các chỉ tiêu về xây dựng xã hội học tập (gia đình học tập, cộng đồng học tập...) chưa được đưa vào nghị quyết của cấp ủy và HĐND các cấp; kinh phí cho xây dựng các mô hình học tập còn hạn hẹp; tính bền vững của các tiêu chí, mô hình còn chưa cao... Để Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, đi vào chiều sâu, phục vụ đắc lực sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh, phấn đấu đạt 50% mô hình gia đình, cộng đồng, 40% dòng họ học tập (so với đăng ký), 20% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí cộng đồng học tập cấp xã học tập trong năm 2018, các cấp, các ngành cần nêu cao hơn nữa trách nhiệm, đảm bảo xã hội hóa rộng rãi phong trào, thu hút các tổ chức, thành phần kinh tế tham gia công tác khuyến học, khuyến tài.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!