Cô đã giữ tôi ở lại

Tôi 40 tuổi, dạy học ở Trường THPT Chuyên Sơn La được 17 năm. Tôi đã đi một chặng đường từ một cô học trò đến bây giờ trở thành giáo viên. Trong suốt hành trình ấy, có cô giáo, người thầy của tôi và ngôi trường ấm áp.

 

15 tuổi, tôi rời phố huyện lên tỉnh học khi Trường Chuyên Sơn La vừa mới được thành lập. Khi ấy, trường đặt ở tổ 3, phường Chiềng Lề. Xung quanh trường, nhiều gia đình có con em sa ngã, nghiện hút. Những đứa trẻ đi học xa nhà như chúng tôi nhiều khi bị quấy rối, có đứa sợ hãi đã bỏ về. Tôi cũng có lúc trùng lòng muốn bỏ học. Nhưng gặp cô, gặp trường, tôi bắt đầu thích học và hiểu được, học là một hạnh phúc, học giúp mình mạnh mẽ.

Bắt đầu từ những bài ca dao đơn sơ “Cái cò lặn lội bờ ao”, tôi nhận ra sự tảo tần của mẹ, lẽ sống trong đục ở đời; hiểu nỗi đau của bố - người đàn ông thất bại không nuôi nổi vợ con. Và như thế, cô níu tôi ở lại, không bỏ cuộc bằng những bài học về cuộc đời, về cái đẹp, về tri thức. Bây giờ, tôi đã hiểu, đôi khi ta ở lại với điều tử tế, theo đuổi việc học mà bắt đầu bằng việc khiến ta yêu một điều gì đó. Và như thế, cô đã giữ tôi lại bằng việc thách thức, biến một đứa trẻ bình thường cũng mong muốn chinh phục và trở thành một “người leo núi”.

Năm tôi học lớp 12, trường xây dựng lại, tạm thời không có kí túc, nếu học tiếp phải đi thuê trọ, bố mẹ bắt tôi quay về. Nhưng một lần nữa, cô giữ tôi ở lại, đưa tôi về nhà cô ở. Tôi ngây ngô kéo theo một đứa bạn. Cô cũng đón nhận, thương một đứa nhỏ thì thương thêm bạn nó. Chúng tôi ăn ở nhà cô, các con cô coi chúng tôi như chị, vợ chồng cô coi hai đứa như con cái, dạy chúng tôi học hành, tổ chức cuộc sống, đi chợ mua bán với số tiền eo hẹp. Tiền ăn hàng tháng, chúng tôi đưa cô chẳng đáng là bao so với việc mang thêm cho cô nhiều bận rộn, bìu ríu của những đứa trẻ đang lớn. Sau này làm mẹ, tôi mới hiểu không phải ai cũng đủ rộng lòng để đón thêm vài đứa trẻ về nhà mình nuôi nấng, dạy bảo, ăn cùng mâm, thở cùng một bầu không gian bé nhỏ.

Tôi đã ở lại theo đuổi việc học và trưởng thành. Sau khi tốt nghiệp đại học trở về trường cũ, nối tiếp con đường của cô, tôi trở thành giáo viên dạy văn. Ngày về trường cũ dạy học, bố mẹ tôi suy nghĩ đơn giản cứ để tự tôi đi bằng đôi chân của mình, không có một tư trang nào để bắt đầu cuộc sống tự lập. Tôi chỉ có một hòm sách nhỏ. Việc nhỏ, việc lớn, cô lại dạy tôi cách tận hưởng hương vị cuộc sống bù đắp cho những khuyết thiếu của tôi: Một chiếc bánh sinh nhật, một tình bạn, một ngày nghỉ, một tình yêu, một người chồng. Và cả những bài học làm một người thầy: Khi học sinh nói rằng “cô dạy tốt, nhưng cô khắc nghiệt”, hãy xem như một lời phê bình; làm việc gì cũng nhớ phải đàng hoàng, tự trọng… Năm tháng trôi, vụng dại vẫn còn mà cuộc sống thì bận rộn xa cách, cô vẫn ở đó dõi theo tôi. Tôi rưng rưng như ngày tuổi nhỏ về nhà ở với cô, thầm gọi: Cô ơi…

Đúng rồi, sự trưởng thành của một đời người mà có bóng dáng một người thầy đó là một hạnh phúc. Và tôi có được hạnh phúc ấy. Tôi không phải là đứa học sinh có danh tiếng hào quang. Nhưng tôi có một con đường: Làm cho những đứa trẻ yêu việc học và thiết tha theo đuổi những hạnh phúc mình muốn, khát khao được khẳng định mình.

Hôm nay, sau 17 năm dạy học dưới mái Trường Chuyên, nơi tôi đã lớn lên thành người, tôi muốn nói với học sinh: Ở mảnh đất núi rừng, nơi sự học vẫn còn gian nan, thì vẫn có những người thầy đã dạy học bằng tình yêu, dạy các em kỉ cương, sáng tạo và dạy các em tình yêu, tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

Và tôi sẽ nói với các em: Mình học đi.

 

Hà Phương (Thành phố)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới