Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, tăng khả năng tự học, tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, cá nhân hóa việc học, góp phần tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời. Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số với các mục tiêu cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường PTDT Nội trú tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.
Với quy mô gần 600 cơ sở giáo dục công lập, ngành Giáo dục đã thực hiện hiệu quả một số lĩnh vực trong chuyển đổi số, như: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên chủ động tích hợp CNTT vào từng môn học để nâng cao hiệu quả bài giảng, sử dụng phần mềm trình chiếu, kết hợp các phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo và phần mềm dạy học.
Đồng thời, triển khai phần mềm quản lý điều hành điện tử (i-office) - kết nối các phòng GD&ĐT với Sở GD&ĐT và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, phục vụ trao đổi thông tin, văn bản chỉ đạo, quản lý điều hành trên môi trường mạng. Sử dụng hiệu quả hệ thống phòng họp không giấy (e-cabinet) tại Sở GD&ĐT. Triển khai hệ thống phòng họp trực tuyến tại Sở và các đơn vị trực thuộc trong các cuộc họp và dự giờ trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kiểm định chất lượng giáo dục bằng hình thức quản lý khai báo trực tuyến; sử dụng học bạ điện tử qua hệ thống SMAS, VNEDU, gần 100% các trường học trong tỉnh sử dụng học bạ điện tử giúp giáo viên giảm lao động thủ công trong nhập điểm vào sổ, giảm bớt sai sót trong học bạ.
Ông Vũ Việt Hùng, Quyền trưởng Phòng Giáo dục Trung học và giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT), cho biết: Thời gian qua, Sở đã tổ chức đánh giá hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy - học, kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh phù hợp. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường học phát triển hệ thống trường học điện tử, tổ chức thí điểm mô hình trường học thông minh, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh.
Là địa phương đi đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, năm học mới này, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố tiếp tục tạo bước đột phá mới trong lĩnh vực chuyển đổi số khi triển khai thí điểm công tác tuyển sinh theo hình thức trực tuyến đầu cấp, tại 8 trường công lập, gồm các trường mầm non: Quyết Thắng, Chiềng Lề, Tô Hiệu; các trường tiểu học: Trần Quốc Toản, Quyết Thắng, Chiềng Lề; các trường THCS: Lê Quý Đôn, Quyết Thắng.
Ông Trần Quốc Bình, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố, thông tin: Năm học mới này, Phòng đã chỉ đạo đổi mới phương thức tuyển sinh theo kế hoạch chuyển đổi số của ngành GD&ĐT và chỉ đạo của UBND thành phố; tuyên truyền về công tác tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng công tác tuyển sinh trên Website của các trường, phòng GD&ĐT để các phụ huynh làm quen với phần mềm, biết cách truy cập vào phần mềm đăng ký cho con theo hệ thống.
Với việc đăng ký theo hình thức trực tuyến đã tạo thuận tiện cho phụ huynh, công khai, minh bạch, khách quan trong hoạt động tuyển sinh. Phụ huynh chỉ cần sử dụng máy tính truy cập đường link: http://beta.phonggdtpsonla.edu.vn/tsdc; hoặc https://sonla.tsdc.edu.vn (đăng nhập bằng trình duyệt Chrome); hoặc quét mã QR để truy cập vào Website là có thể đăng ký nhập học cho con. Chị Đoàn Thị Ngọc Mai, tổ 7, phường Chiềng Lề (Thành phố), nói: Những năm trước, tôi phải đến tận trường mua hồ sơ cho con đi học, mất nhiều thời gian chờ đợi; năm nay, ở nhà cũng có thể đăng ký cho con theo hình thức trực tuyến, tôi thấy rất tiện lợi. Khi đăng kí trực tuyến thành công thì nộp hồ sơ bằng bản giấy và nhà trường sẽ có thông báo lại.
Thầy giáo Đinh Đức Mạnh, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi (Thành phố), chia sẻ: 100% các phòng học của trường đều được trang bị máy chiếu. Hiện nay, nhà trường đang thực hiện ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở nhiều bộ môn của tất cả các khối lớp; thực hiện hiệu quả các phương án dạy và học online phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Tại Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh, 100% phòng học, phòng làm việc có máy tính, có máy chiếu. Các giáo viên chú trọng đầu tư các phần mềm giảng dạy. Cô giáo Nguyễn Thị Ngân, giáo viên môn lịch sử, cho hay: Việc sử dụng các loại đồ dùng trực quan, phương tiện kỹ thuật; trong đó, có ứng dụng CNTT vào dạy học môn lịch sử có tác dụng rất lớn. Phương pháp mà chúng tôi dạy là sự kiện cung cấp được gắn liền với hình ảnh và các biểu tượng cụ thể, sinh động, điều này giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ sự kiện hơn. Với những bài học như vậy, học sinh hứng thú học tập, tích cực phát biểu, xây dựng bài học.
Đến năm 2025, với mục tiêu phấn đấu 100% các trường được kết nối đường truyền Internet băng thông rộng, học sinh được tiếp cận dịch vụ Internet và các kho học liệu trực tuyến; 100% các trường học có trang thông tin điện tử. Từng bước đổi mới toàn diện, hiệu quả góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số của tỉnh và quốc gia. Ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị CNTT thiết thực phục vụ dạy và học; triển khai giải pháp trường học điện tử, lớp học điện tử; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!