LTS: Từ năm học 2020-2021, tỉnh ta cùng cả nước thực hiện lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, trong đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên đòi hỏi phải được đào tạo, chuẩn hóa để đáp ứng yêu cầu giảng dạy của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để hiểu thêm về nhiệm vụ này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
PV: Xin đồng chí khái quát tình hình đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đ/C Nguyễn Huy Hoàng: Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh có 1.674 cán bộ quản lý, 19.846 giáo viên và 1.996 nhân viên. Trong đó, giáo viên và cán bộ quản lý có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn bậc mầm non đạt 92,6%, tiểu học đạt 80,2%, THCS đạt 88,6%, THPT và GDTX đạt 100%. Có 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 430 thạc sĩ, 16.920 đại học, 4046 cao đẳng, còn lại là trung cấp và trình độ khác. Nhìn chung, đội ngũ viên chức quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên, các năm học vừa qua, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ tại một số cơ sở giáo dục. Khắc phục tình trạng này, ngành đã thực hiện đồng thời công tác tuyển dụng với việc điều tiết giáo viên giữa vùng thừa, vùng thiếu, đảm bảo sự cân đối, tránh tình trạng môn thừa, môn thiếu giáo viên, dẫn đến sự bất cập trong việc tuyển dụng. Trong công tác thuyên chuyển, ưu tiên cho giáo viên có cùng chuyên môn hoán đổi vị trí công tác và bố trí sắp xếp gần gia đình để yên tâm công tác. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số (dạy học online, lớp học ảo...).
PV: Ngành GD&ĐT đã có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giáo viên, thưa đồng chí?
Đ/C Nguyễn Huy Hoàng: Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp học chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Xây dựng tiêu chí về phẩm chất, năng lực của nhà giáo đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc thiểu số đủ số lượng, cơ cấu, trình độ, chức danh. Thực hiện tốt dự báo nguồn nhân lực giáo dục, gắn với quy hoạch nhân lực địa phương, vùng, miền. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trường học, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân viên ngành GD&ĐT và xã hội về vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong dạy học. Tổ chức bồi dưỡng cho 100% giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tập huấn nâng cao, chuyên sâu đối với giáo viên, cán bộ quản lý GDPT cốt cán và tập huấn đại trà đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tại tỉnh.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học GD&ĐT giáo viên, giảng viên với các nước có nền giáo dục tiên tiến, các cơ sở giáo dục có uy tín đã được xếp hạng trên thế giới. Tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo nhà giáo với cơ quan quản lý GD&ĐT các địa phương, gắn với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu sử dụng, bố trí, sắp xếp, điều tiết đội ngũ theo từng trình độ, ngành học, cấp học phù hợp, hiệu quả. Có giải pháp giải quyết triệt để tình trạng thừa, thiếu nhà giáo trong cùng một địa phương, cơ sở GD&ĐT.
PV: Là năm học đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 đối với 3 khối lớp 5, 9 và 12, ngành đã chỉ đạo bố trí giáo viên thế nào để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thưa đồng chí?
Đ/C Nguyễn Huy Hoàng: Ngành tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học, trong đó có giáo viên đứng lớp ở 3 khối cuối cấp các bậc học. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục và yêu cầu về điều kiện bồi dưỡng để đứng lớp thực hiện Chương trình GDPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Bồi dưỡng theo chương trình phát triển các trường sư phạm, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT (chương trình ETEP); bồi dưỡng đại trà tại tỉnh đảm bảo hiệu quả. Tập huấn sử dụng sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học. Chú trọng bồi dưỡng giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học phổ thông, tạo sự chuyển biến thực chất về năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đảm bảo triển khai tốt Chương trình GDPT.
Ngay từ đầu năm học 2023-2024, ngành đã tổ chức cho giáo viên dạy khối 5, 9, 12 tại các trường tham gia các hội thảo, tập huấn trực tuyến, trực tiếp để chọn sách giáo khoa cho năm học 2024-2025. Trung tuần tháng 8 vừa qua, ngành tập huấn cho giáo viên về xây dựng và thực hành kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trong đó tập trung vào khối lớp 9 và 12; tập huấn nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và dạy học STEM. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm quy định sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài dạy, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thiết thực. Phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán trong các hoạt động chuyên môn của trường.
Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo được bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT 2018 và những năm tiếp theo, sẽ góp phần để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024-2025, với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!