Chủ động các phương án dạy và học thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 610 trường học các cấp với hơn 375.000 học sinh. Cùng với tận dụng thời gian vàng để dạy học trực tiếp như hiện nay; các trường học trong tỉnh còn rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên để xây dựng các kịch bản, tổ chức thực diễn dạy học trong tình huống dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thực diễn giao bài về nhà thông qua tổ Covid cộng đồng tại Trường THPT Nguyễn Du (Thành phố).

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; các trường trực thuộc chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hình thức dạy học. Đồng thời, tổ chức thực diễn điểm các phương án dạy học khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các trường: THCS-THPT Nguyễn Du, THCS Lê Quý Đôn, Tiểu học Quyết Thắng (Thành phố) để đánh giá, rút kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp trong dạy học gián tiếp. Đồng thời, chỉ đạo các trường học trong tỉnh (trừ các trường mầm non) đến ngày 15/10 phải hoàn thành thực diễn và đề xuất các tình huống dạy học phù hợp với điều kiện đơn vị, địa phương.

Qua thực diễn, các trường học gặp không ít khó khăn, như: Chất lượng đường truyền thường xuyên xảy ra nghẽn mạng; điều kiện học tập của học sinh khu vực khó khăn chưa được đầy đủ, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, nhiều gia đình kinh tế khó khăn, chưa hỗ trợ được học sinh nên việc dạy và học hiệu quả còn hạn chế. Đối với bậc tiểu học, các em còn quá nhỏ nên có những hạn chế về sử dụng thiết bị công nghệ, tương tác học tập trực tuyến...

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Toàn ngành đã thống kê số lượng học sinh ở các bậc học có thể học các theo các phương án, cụ thể: 32,5% số học sinh ở các trường THPT, THCS vùng thuận lợi có điều kiện học trực tuyến; ưu tiên chọn phần mềm dạy học trên toàn tỉnh/cấp học để đảm bảo công tác chỉ đạo chuyên môn, quản lý, thống kê. Còn dạy học qua truyền hình sẽ thực hiện đối với 37,7% số học sinh có thiết bị thu sóng Đài PT-TH tỉnh và Đài Truyền hình Việt Nam. Ở hình thức giao bài, hướng dẫn tự học, các trường sẽ triển khai tới 67,5% số học sinh chưa đủ điều kiện tham gia hai hình thức trên; các trường giao bài qua mạng xã hội đến phụ huynh/người thân, cán bộ địa phương của học sinh; thu sản phẩm học tập của học sinh qua các ứng dụng như khi giao bài hoặc phối hợp với Tổ Covid cộng đồng để giao bài tập cho học sinh.

Ứng phó với dịch Covid-19, năm học 2021-2022, các địa phương, đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cho nhiều tình huống dịch bệnh có thể diễn ra. Ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường La, cho biết: Toàn huyện có 24 trường tiểu học, tiểu học và THCS (trừ 16 trường mầm non) với 12.887 học sinh tham gia thực diễn dạy học trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số xã vùng 3 như: Chiềng Muôn, Chiềng Ân, Nậm Giôn, Chiềng Hoa, 100% số học sinh không có máy tính cũng thực diễn việc dạy học theo hình thức giao bài đến tận nhà học sinh. Phòng tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên về nâng cao ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra trực tuyến về kỹ thuật thiết kế bài giảng tổ chức học tập từ xa.

Để ủng hộ thiết bị cho học sinh học trực tuyến, các trường học ở Mường La đã đóng góp 135 triệu đồng ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bên cạnh đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết Sơn La tặng 170 chiếc điện thoại thông minh cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Tại Thành phố có điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi hơn, toàn ngành cũng đã xây dựng các phương án dạy học gián tiếp. Các trường học trên địa bàn tổ chức thực diễn các phương án khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai. Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, thông tin: Nhà trường có 1.529 học sinh; trong đó, 99% số học sinh đủ điều kiện học trực tuyến. Trường đã xây dựng 4 phương án dạy học gián tiếp: Học bằng hình thức trực tuyến; qua video bài giảng, học liệu điện tử; học qua truyền hình; học bằng hình thức giao bài. Trường đã hoàn thành thực diễn dạy học trong điều kiện tình hình dịch bệnh phức tạp. Thường xuyên tổ chức tập huấn cho giáo viên về công tác giảng dạy trực tuyến và luôn sẵn sàng chuyển từ trạng thái trực tiếp sang trực tuyến.

Việc xây dựng các hình thức tổ chức dạy học trực tiếp và gián tiếp trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp là vấn đề cấp thiết hiện nay đối với ngành GD&ĐT. Do vậy, mỗi nhà trường, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cần vận dụng sáng tạo các điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực, khơi dậy tinh thần hiếu học, tự học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, góp phần hoàn thành kế hoạch năm học và nâng cao chất lượng giáo dục trong trạng thái bình thường mới.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới