Ngày 8/5, tại Hà Nội, 41 trường đại học (ĐH) phía Bắc đã họp bàn về phương án xét tuyển theo nhóm nhằm mục tiêu giảm thiểu hiện tượng “ảo” trong tuyển sinh năm 2017.
Các trường ĐH phía Bắc họp bàn tuyển sinh theo nhóm.
Tại buổi họp bàn, PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - đơn vị đảm nhiệm vai trò chủ trì tuyển sinh của nhóm Miền Bắc chia sẻ về kỹ thuật xét tuyển. Theo đó, Quy chế tuyển sinh 2017 của Bộ GD&ĐT quy định thí sinh được đăng ký xét tuyển với số nguyện vọng (NV) không hạn chế trong xét tuyển đợt 1. Danh sách NV phải được xếp theo thứ tự ưu tiên; thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV cao nhất có thể trong danh sách.
Cách thức xét tuyển theo quy chế năm nay hoàn toàn phù hợp với phần mềm xét tuyển của nhóm GX đã sử dụng trong năm 2016. Vì thế các trường tham gia nhóm sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực trong công tác tuyển sinh. Đồng thời, được đội ngũ kỹ thuật của nhóm hỗ trợ; cũng như chủ động hơn trong việc xác định điểm chuẩn dự kiến và danh sách thí sinh trúng tuyển trước khi trình Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các trường tham gia nhóm Miền Bắc trên tinh thần tự nguyện, có sự cam kết bằng văn bản. Các trường trong nhóm sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và kết quả thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ GD&ĐT cung cấp để thực hiện xét tuyển đợt 1 cho các trường trong nhóm.
Các trường trong nhóm Miền Bắc sử dụng chung một phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý. Đồng thời thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh khi thực hiện xét tuyển theo quy định tại Điều 7 của Quy chế tuyển sinh 2017.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, các trường ĐH cả nước chủ trương chia thành 2 nhóm lớn để xét tuyển. Cụ thể, nhóm miền Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH, cao đẳng sư phạm từ Hà Tĩnh trở ra. Nhóm miền Nam do ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH, cao đẳng sư phạm từ Quảng Bình trở vào. Đến nay, các trường ĐH phía Nam (từ Quảng Bình trở vào) đã lập nhóm xét tuyển với 50 – 60 trường.
Nhấn mạnh về sự cần thiết của việc xét tuyển theo nhóm trường, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ, nếu từng trường xét tuyển độc lập sẽ rất khó loại được ảo, vì em thí sinh trúng vào trường mình nhưng cũng trúng ở nhiều trường khác. Các trường cũng sẽ không biết lấy bao nhiêu điểm chuẩn cho vừa để có số lượng thí sinh đến nhập học đạt đủ chỉ tiêu.
Còn khi các trường xét tuyển theo nhóm lớn, danh sách trúng tuyển dự kiến của từng trường được gửi lên Bộ GD&ĐT. Phần mềm của Bộ sẽ chạy để mỗi thí sinh trúng tuyển 1 NV duy nhất, sau đó chuyển về cho các trường trong nhóm xác định với nhau và thống nhất điểm chuẩn. Bộ sẽ chạy một lần nữa để lọc thí sinh ảo ở Miền Bắc và Miền Nam.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết thêm, thực tế cho thấy dù năm nay không giới hạn số lượng NV đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh cũng không đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Có khoảng 50% đăng ký từ 1-3 NV xét tuyển; 30% đăng ký 4-5 NV; cá biệt có 1 thí sinh đăng ký 48 NV. Điều này cho thấy thí sinh rất có bản lĩnh, xác định được ngành nghề mình yêu thích và quyết tâm theo đuổi. Đồng thời, thí sinh cũng đã biết phân tích, tính toán phương án đăng ký xét tuyển một cách khoa học để không cần phải điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi, trừ những thí sinh có kết quả thi lệch xa xa với kết quả mà các em dự kiến. Do vậy, các trường không cần quá lo lắng số lượng thí sinh “ảo” sẽ tăng đột biến.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho biết: Mối quan tâm lớn của các trường là kiểm soát ảo như thế nào? Không thể dùng kinh nghiệm tuyển sinh năm 2016 để áp cho năm 2017, như vậy sẽ không chính xác bởi năm 2016 mỗi TS trúng tuyển 2 NV và các trường không biết được TS đang trúng tuyển đi NV 1 hay NV 2; các trường cũng không biết được thí sinh trúng tuyển vào trường ở top nào, nhưng năm nay, nếu tham gia nhóm thì những nội dung này sẽ rõ hơn rất nhiều.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng khẳng định, việc tham gia nhóm thì vấn đề thí sinh “ảo” vẫn có, nhưng số lượng này không nhiều: Thứ nhất, chủ yếu “rơi” vào thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng đi nước ngoài, hoặc bỏ không học; thứ 2 là xét học bạ học sinh giỏi của các trường top trên; Thứ 3, là trường hợp các trường khối công an, quân đội, các trường này lấy điểm chuẩn khá cao, nhưng quy trình xét tuyển khá chậm nên khi kết thúc xét tuyển vẫn chưa có thông tin./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!