Bữa cơm ấm tình thầy trò

Đến trường PTDT bán trú Tiểu học Hua Nhàn, xã Hua Nhàn (Bắc Yên) đúng vào giờ ăn trưa của các em, chứng kiến các thầy, cô giáo, nhân viên nấu ăn tất bật chuẩn bị bữa cơm, học sinh xếp hàng thứ tự, nhận những phần cơm nóng hổi, bốc hơi nghi ngút giữa cái giá lạnh vùng cao sương trắng, khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

 

Giờ ăn trưa của học sinh bán trú Trường PTDT bán trú Tiểu học Hua Nhàn (Bắc Yên).

Sau khi chia đầy đủ cơm, sắp xếp học sinh ngồi vào mâm, cô giáo Đinh Thị Ánh mang hộp cơm đến phòng ở của học sinh bán trú, cô Ánh giải thích: Hôm nay có em học sinh mệt không xuống nhà ăn được nên cô mang cơm đến tận nơi, rồi còn cho em uống thuốc. Các em đang ở lứa tuổi tiểu học, lại phải xa nhà nên các thầy, cô giáo phải chăm lo cho các em từng tí, như con em của mình vậy.

Trao đổi với thầy giáo Đinh Việt Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường, được biết: Trường có hơn 350 học sinh, trong đó có 121 em học sinh bán trú, nhiều em ở các bản cách xa trường hơn 20 km đường đất. Khi chưa thực hiện nấu ăn cho học sinh bán trú, sau mỗi buổi học các em lại lên rừng kiếm củi, rau... để cải thiện bữa ăn hằng ngày, nên nhiều em không đảm bảo sức khỏe học tập. Chứng kiến các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học, còn bé, lại phải tự lo cơm nước, các thầy, cô thương lắm. Từ năm học 2013-2014, thực hiện chủ trương nấu ăn cho học sinh bán trú, thầy và trò mừng lắm. Chúng tôi xác định đây là cơ hội để nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh, giảm tình trạng học sinh bỏ học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của trường. Bây giờ, các thầy, cô giáo yên tâm dạy học vì không còn phải đến từng bản vận động các em đến lớp nữa.

Được biết, xã Hua Nhàn được thành lập năm 2008, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, xã có 17 bản thì có 16 bản của đồng bào dân tộc Mông, một bản đồng bào dân tộc Khơ Mú, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Khoảng 10 năm về trước, việc học của con em trong xã chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trẻ trong độ tuổi đến trường không được đi học, hằng ngày phải theo bố mẹ lên nương làm rẫy. Bên cạnh đó, tư tưởng lạc hậu “phụ nữ chỉ có thiên chức sinh đẻ và chăm sóc chồng, con” vẫn còn tồn tại và ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Do vậy, phần lớn trẻ em gái không được đi học. Trước thực trạng này, xã phân công các tổ chức đoàn thể cùng với các thầy, cô giáo tới các bản tuyên truyền tác dụng của việc học. Đặc biệt, từ khi thực hiện nấu ăn cho học sinh bán trú, các em học sinh  được chăm lo tốt hơn... Bây giờ, trẻ em gái hay trai, đến tuổi đi học đều được đến trường.

Việc ăn, ở bán trú đi vào nền nếp, giúp học sinh quen với nếp sống có tổ chức, có ý thức, kỷ luật, trách nhiệm với tập thể, lối sống lành mạnh. Ngoài giờ học trên lớp, học sinh biết sắp xếp thời gian học tập, lao động hợp lý. Học sinh được tham gia vào các hoạt động tập thể văn nghệ, thể dục, thể thao... nhờ đó, các em bớt dụt dè, sôi nổi, năng động hơn. Cùng với đó, giáo viên có điều kiện gần gũi, thân thiện với học sinh, nắm bắt được điều kiện, hoàn cảnh, tập quán, từ đó đề ra phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh. Nền nếp dạy và học trong nhà trường ngày càng được củng cố và ổn định, học sinh yên tâm học tập, phụ huynh tin tưởng vào nhà trường. Chả thế mà khi hỏi về việc nấu ăn cho học sinh bán trú, ông Mùa A Thào, đại diện hội phụ huynh học sinh nhà trường, phấn khởi: Chúng tôi đều làm nông nghiệp, suốt ngày trên nương nên ít quan tâm đến việc học của con, cháu. Bởi vậy, khi có chủ trương nấu ăn cho học sinh bán trú, chúng tôi đồng tình rất cao, cùng đóng góp công sức, tiền của, cùng Nhà nước làm nhà ăn, nhà bếp cho các cháu. Bây giờ, các cháu đến trường được lo ăn, ngủ, học hành nên phụ huynh chúng tôi yên tâm lắm.

Những bữa cơm ấm áp tình thầy trò vùng cao, ẩn chứa trong đó là sự nỗ lực, cố gắng của các thầy, cô giáo, nhân viên nhà trường với mục tiêu “tất cả vì học sinh thân yêu”, giúp các em có điều kiện học tập tốt nhất.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới