Chiều 2/11, sau khi nghe ý kiến thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có giải trình làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu còn băn khoăn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội trường.
Về chương trình sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, đây là nhiệm vụ cốt lõi của Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện. Bộ đánh giá đây là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn trong ngành. Vì triển khai chương trình sách giáo khoa, tiếp cận từ phương thức truyền thống truyền thụ kiến thức là chính sang phương thức phát triển phẩm chất năng lực và nhấn mạnh vào người học để khắc phục rất nhiều vấn đề chương trình hiện hành. Chương trình và phương pháp làm sao cho học sinh phải năng động, phải sáng tạo và theo một số đại biểu nói đó là cách tiếp cận khai phóng theo quan điểm dân chủ, thực học, thực nghiệm, dân chủ.
Bộ trưởng cho hay, sau khi xem xét thật kỹ lưỡng, đặc biệt Nghị quyết 88 có hướng dẫn rõ là phải rà soát để tiếp thu, kế thừa những nội dung còn hợp lý, chỉ khắc phục những bất hợp lý và tiếp thu những vấn đề mới theo độ mở trong giáo dục của các nước tiên tiến. Đặt ra một vấn đề là cần phải có một cái nhìn tổng thể về chương trình tổng thể và phải mời các tư vấn quốc tế đến, cùng rất nhiều các hội nghị, hội thảo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích thêm: Ở đây không phải chúng ta đưa một chương trình rất mới mà đổi mới ngay từ cấu trúc lại chương trình hiện hành theo hướng không phải chia cắt từng môn, theo hướng cụm các vấn đề logic với nhau và từ đấy nhấn mạnh việc đổi mới phương pháp. Cũng là vấn đề đó, nhưng đổi mới về phương pháp thì hiệu quả rất cao theo hướng phát triển năng lực, lúc đầu rất lúng túng. Đây cũng là vấn đề mới, chúng tôi làm việc với các chuyên gia nước ngoài, họ cũng vậy. Hàn Quốc từ năm 1956 đến năm 2014, họ có 9 lần thay đổi, chứ không phải riêng ta, các nước cũng vậy. Khi càng tìm hiểu, chúng tôi thấy trong bối cảnh phát triển rất nhanh thì chương trình làm sao tiếp cận phải rất căn bản, nhưng phải có độ mở.
Thiết kế theo hướng Nghị quyết 88 là những kiến thức cơ bản, nền tảng thì ổn định, nhưng có độ mở về phương pháp, độ mở về giáo dục địa phương thì cũng dành ra khoảng 20% để có giáo dục địa phương nhưng phải tích hợp, logic với chương trình tổng thể để vẫn đảm bảo được cơ bản, nhưng đồng thời tính linh hoạt ở các vùng, miền và các nơi cũng như miền núi, hải đảo thì tính toán rất kỹ. Thiết kế ban đầu phải rất chuẩn, khả thi thì sau đó các bước sau sẽ đỡ hơn, đặc biệt là thiết kế môn học, so với chương trình hiện hành, từng môn học độc lập với nhau, thậm chí trong từng cấp học, giữa các cấp học.
“Không phải chúng ta đổi mới là mới tinh mà đổi mới ở đây chúng ta kế thừa rất lớn, chúng ta đổi mới là khắc phục bất cập và tiếp thu một số thành tựu về khoa học, giáo dục của thế giới. Như vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, không phải đợi đến năm 2019 mới đổi mới mà thực tế trong ngành chúng tôi phải chỉ đạo đổi mới ngay cả chương trình hiện hành, trong một số môn, trong một số nội dung cấu trúc lại và tăng cường đổi mới phương pháp để tránh hạn chế tình trạng dạy theo hướng truyền thụ một chiều. Chỗ nào tốt thì làm tốt, tập huấn, chỗ nào khó khăn thì dần dần. Trong quá trình chuyển đổi thì chúng tôi có hỗ trợ theo chương trình hỗ trợ giáo viên, các cán bộ cốt cán. Các công việc này phải đan xen với nhau, đồng bộ với nhau, đồng tốc, đồng hành, không phải là tách riêng ra. Về chương trình cho đến nay chúng tôi đã xong được chương trình tổng thể và triển khai các chương trình môn học” – Bộ trưởng giải trình thêm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tới đây, Bộ cho phản biện và đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo để khi chương trình đưa ra có thể đi vào cuộc sống. Cách tiếp cận vấn đề là cách làm thì chương trình đó sẽ nhẹ nhàng và phù hợp hơn, vẫn đảm bảo được nội dung tốt nhưng đẩy mạnh phương pháp và từng bước. Không phải là chương trình cơ sở vật chất hiện đại hay phải sắm toàn bộ, mà chương trình ở đây được thực hiện trên cơ sở tổ chức lại các cơ sở vật chất hiện có và bổ sung dần, không phải chúng làm tất mà đây là cuốn chiếu, bổ sung dần từng thiết bị theo từng môn, từng năm chứ không phải ồ ạt, đùng một lúc đến điểm ấy phải mua tất thì không phải. Do vậy, các yếu tố khả thi Bộ đã tính trước đến điều kiện thực hiện để làm sao chương trình thực tế hơn.
“Chúng tôi rất muốn nhiều người cùng tham gia viết sách giáo khoa, nhưng phải có khung và có sự thẩm định để đảm bảo sự thống nhất và căn bản, không phải tùy tiện ai cũng viết được. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, chúng tôi cũng đã tính đến hiện trạng "trăm hoa đua nở". Do vậy, phải tính rất kỹ đến vấn đề hướng dẫn, đảm bảo được dân chủ, nhiều người tham gia để thu hút được trí tuệ nhưng cũng phải có định hướng, tránh gây đến tình trạng nhiều người đều tham gia dẫn đến những cái không tốt cho giáo dục” – Bộ trưởng bày tỏ.
Về giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định đây là một vấn đề rất lớn. Chương trình có hay đến mấy mà giáo viên không có sự đổi mới và không quyết tâm thì cũng không thành công. Cho đến nay theo đánh giá của chúng tôi, rất kỹ chứ không phải chỉ có quan sát, phần lớn giáo viên của chúng ta là tâm huyết và cũng mong đổi mới chứ không phải là né tránh. Tuy nhiên, chuẩn của giáo viên với chương trình hiện hành, với chuẩn của giáo viên đổi mới tới đây chương trình mới sẽ có cái khác. Chúng tôi đã tiến hành rất kỹ, nửa năm nay để rà soát lại bổ sung các thông tư về chuẩn giáo viên, chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn cán bộ quản lý trường học, hiệu trưởng và chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, giám đốc sở, trưởng phòng giáo dục để có một chuẩn về nghề nghiệp. Theo đó, xây dựng các chương trình bồi dưỡng đạt chuẩn và chủ yếu đào tạo online để cho các thầy cô tự học, tự nâng cao và có hướng dẫn và sau đó tập trung, khác với cách bồi dưỡng truyền thống.
“Chúng tôi coi trọng đến hướng phải tập huấn, bồi dưỡng, vì đội ngũ giáo viên phải được chuẩn bị kỹ, chúng tôi cũng đã có chương trình Chính phủ đã phê duyệt chương trình quy hoạch các trường sư phạm, đào tạo đội ngũ giáo viên. Gần đây chúng tôi cũng làm rất cụ thể, tính toán nhu cầu giáo viên từng môn học và yêu cầu về chất lượng theo các chuẩn. Sắp tới đây hướng dẫn các địa phương để sở giáo dục đào tạo của địa phương tham mưu cho UBND cùng với Bộ có kế hoạch bồi dưỡng dần”- Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng cho hay, chúng ta làm theo cuốn chiếu, do vậy trong chương trình kế thừa rất nhiều, 2 năm nữa mới có lớp 1 và lớp 1 qua thực tế chương trình không thay đổi nhiều và giáo viên cũng không thiếu nhiều, do vậy không có vấn đề về giáo viên, còn đào tạo giáo viên mới dành cho cấp 3. Theo Nghị quyết 88 ở cấp dưới cơ bản giáo dục tích hợp liên môn nhưng càng lên trên cấp 3 phải giáo dục hướng nghiệp và phân hóa. Có một số môn chúng tôi xét thấy cần phải đi sâu và hướng nghiệp.
“Ví dụ như hiện nay là giáo dục công dân thì tới đây là kinh tế và pháp luật, rất gần. Chúng tôi căn cứ số giáo viên hiện nay đang học trường sư phạm có chuyên môn. Từ giờ nếu Quốc hội cho phép đến năm 2021 - 2022 mới bắt đầu tính đến cấp 3. Từ năm nay chúng tôi đã tính toán đào tạo nội dung mới này. Như vậy, một năm chúng tôi không phải đào tạo giáo viên mới mà 1 năm đối với lớp 1 chúng ta rà soát để bồi dưỡng. Còn thừa thiếu cục bộ, chúng tôi tính toán sau khi có chuẩn giáo viên. Như vậy, có chương trình bằng 2 có chương trình bồi dướng. Các giáo viên căn cứ vào năng lực, yêu cầu của mình tự học và học có hướng dẫn để dần đạt chuẩn. Chúng tôi giao cho các trường sư phạm phải đổi mới cùng. Đợt đổi mới này có cái thuận và cách làm mới là gắn các trường sư phạm với cao đẳng ở địa phương để đào tạo, bồi dưỡng lại. Tập trung nhiều trong 5 năm tới là đào tạo lại giáo viên chứ không phải đào tạo mới, trừ một số giáo viên trong môn mới có thể có nhu cầu còn chủ yếu là bồi dưỡng để sử dụng tối đa giáo viên hiện có”- Bộ trưởng dẫn chứng.
Đồng thời chúng tôi tập trung sửa Luật Giáo dục vì trong kế hoạch công tác Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ giao cho chuẩn bị sửa đổi một số điều trong Luật giáo dục và Luật Giáo dục đại học để năm sau báo cáo Quốc hội thì chúng tôi làm việc này. Như vậy các công việc từ quy hoạch rà soát các chuẩn, bồi dưỡng giáo viên, rồi chính sách cơ chế là phải làm đồng bộ, đồng cấp.
“Khối lượng công việc rất nhiều. Tôi có thể nói vô cùng nhiều nhưng cách làm phân công ra nên không phải quá tải như cách truyền thống”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận mạnh.
Về kinh phí, Bộ trưởng giải trình đối với chương trình cho đến nay mới tiêu được 48,2 tỷ đồng, như vậy mới tiêu được hơn 2 triệu đôla, không tiêu được nhiều. Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên mới có 2,3 tỷ đồng, tổng cộng hơn 50 tỷ, còn lại mới đang trong quá trình kế hoạch và cam kết với Quốc hội từng năm một, chúng tôi sẽ công khai chi phí này để giải tỏa một số quan điểm chi rất nhiều tiền.
“Thực tế hiện nay đối với chương trình tổng thể mới có tiền chi cho các thầy làm chương trình, còn đối với chương trình đào tạo giáo viên, mới có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng, cũng chưa tiêu gì, chứ không phải nhiều tiền về vấn đề này”- Bộ trưởng giải thích thêm./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!