Năm học 2021-2022, là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6, trong đó, có 2 môn tích hợp được thiết kế trong chương trình giáo dục phổ thông gồm môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp từ 2 môn Lịch sử và Địa lý trước đây) và môn khoa học tự nhiên (tích hợp từ 3 môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học), thực tế trong giảng dạy đang có những khó khăn cần được tháo gỡ.
Một giờ học của cô và trò Trường TH &THCS Sốp Cộp (Sốp Cộp).
Trước khi triển khai thực hiện chương trình mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức tập huấn chương trình sách giáo khoa cho 1.383 giáo viên giảng dạy lớp 6 trong toàn tỉnh; chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học; phân bổ, sắp xếp hợp lý giáo viên, nội dung và thời lượng dạy học giữa nội dung môn học tích hợp và chương trình giáo dục hiện hành.
Tuy nhiên, sau gần 1 tháng triển khai dạy học, đã phát sinh những khó khăn, như: Tỷ lệ giáo viên trên lớp đủ theo quy định, nhưng lại thừa, thiếu cục bộ; giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nên khi dạy các bài dạy, chủ đề tích hợp khó truyền đạt kiến thức; chưa có giáo viên chuyên nên việc dạy sách giáo khoa các môn học tích hợp, các nhà trường vẫn phân công giáo viên đơn môn dạy như trước đây; việc sắp xếp thời khóa biểu cho giáo viên cũng gặp khó khăn do thầy, cô còn dạy ở các khối lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (là những khối lớp chưa triển khai dạy tích hợp liên môn).
Tại huyện Sốp Cộp, năm học 2021-2022, khối 6 có 29 lớp, 45 giáo viên và 1.139 học sinh. Khó khăn đặt ra cho các thầy, cô giáo dạy tích hợp liên môn đối với lớp 6 ở vấn đề phương pháp dạy học, chưa có giáo viên chuyên. Trong khi đó, việc dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn đòi hỏi giáo viên phải có năng lực bao quát kiến thức khi dạy 2 hay 3 môn. Thêm nữa, mỗi tiết học có thời gian 45 phút, tương đối ngắn để tổ chức 1 tiết học hay theo chương trình mới.
Còn tại huyện Quỳnh Nhai, năm học 2021-2022, toàn huyện có gần 1.300 học sinh khối lớp 6 với 44 giáo viên tham gia giảng dạy ở 15 trường. Ngành giáo dục đã tổ chức cho giáo viên tham gia các buổi tập huấn theo quy định và chỉ đạo các nhà trường tổ chức tư vấn, định hướng học sinh, tuyên truyền tới phụ huynh để tạo sự tiếp cận và thích ứng... Quá trình giảng dạy đang phát sinh nhiều bất cập, ví dụ với môn tích hợp khoa học tự nhiên, trước đây khi dạy riêng rẽ, mỗi thầy cô sẽ ra đề kiểm tra cho 3 môn Hóa học, Sinh học, Vật lý khác nhau, còn hiện nay việc đánh giá khó hơn do 3 môn gộp làm một. Giáo viên lúng túng trong việc ra đề và chấm điểm một bài kiểm tra môn tích hợp, từ việc phân chia nội dung các môn, đưa điểm lên phần mềm đến trách nhiệm về chất lượng môn học... Đây là những khó khăn thực tế mà các trường học khác trên địa bàn tỉnh cũng đang phải tháo gỡ.
Chương trình dạy học tích hợp đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 6 năm nay, được xây dựng theo hướng mở, giúp giảm tải một lượng kiến thức bị trùng lặp ở từng môn đơn lẻ. Do đó, dạy học tích hợp sẽ có lợi cho học sinh, nhưng lại là thách thức không nhỏ đối với giáo viên. Vừa triển khai vừa rút kinh nghiệm, Sở Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương mở các lớp tập huấn trực tuyến để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ, nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong dạy học tích hợp; chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch giáo dục khoa học, phù hợp, bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục; phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học.
Mặt khác, các nhà trường căn cứ vào điều kiện thực tế tại cơ sở để tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; các tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề để nâng cao chất lượng giảng dạy; giáo viên cần chủ động đẩy mạnh việc tự học tự bồi dưỡng của giáo viên. Ban giám hiệu tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình...
Bắt nhịp với chương trình dạy học tích hợp, các trường phổ thông rất cần sự quan tâm từ nhiều phía trong việc nhận diện và giải quyết những vướng mắc đặt ra trong thực tế... Về lâu về dài, các trường xây dựng lộ trình đào tạo giáo viên chuyên nghiệp một cách bài bản để triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới; quan tâm đầu tư trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Đồng chí: Vũ Việt Hùng
Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo)
Đáp ứng việc triển khai dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài việc tập huấn cho giáo viên dạy nội dung chuyên môn, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp tín chỉ để giáo viên có thể dạy được nhiều mảng kiến thức khác nhau. Các giáo viên vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn để đề xuất với nhà trường, với ngành để từng bước tháo gỡ khó khăn, tìm ra phương pháp dạy môn tích hợp hiệu quả nhất, giúp các trường yên tâm triển khai chương trình học mới.
Thầy giáo: Đoàn Xuân Cường
Hiệu trưởng Trường TH&THCS Sốp Cộp (Sốp Cộp)
Việc dạy tích hợp tạo ra sự đổi mới đáng kể trong giảng dạy, cũng như học tập của học sinh. Tuy nhiên, với một trường vùng đặc biệt khó khăn, thiếu trang thiết bị và chưa có giáo viên chuyên nên triển khai dạy liên môn tích hợp là rất khó. Nhà trường đang khắc phục theo hướng dẫn phân môn cho giáo viên đơn môn dạy. Thời khóa biểu thường xuyên thay đổi, đảm bảo song hành với chương trình hiện hành đối với các khối lớp 7, 8, 9.
Thầy giáo: Bạc Cầm Kim
Giáo viên sinh hóa, Trường TH&THCS Nặm Ét (Quỳnh Nhai)
Tôi là giáo viên dạy Sinh hóa, nhưng chưa có chuyên môn dạy về Vật lý nên gặp khó khăn trong việc truyền tải nội dung đến học sinh. Thêm vào đó, trang thiết bị phục vụ cho việc trình chiếu để đảm bảo dạy chương trình phổ thông mới chưa có.
Em: Quàng Thị Phương Chi
Học sinh lớp 6A, Trường TH&THCS Nặm Ét (Quỳnh Nhai)
Sau 2 tuần đi học, em thấy chương trình học có nhiều đổi mới, rèn luyện kỹ năng trong giao tiếp, kỹ năng sống. Tuy nhiên, với nội dung liên môn tích hợp vẫn do các thầy, cô giáo dạy riêng biệt, nên làm dán đoạn bài giảng, ảnh hưởng đến logic bài học của chúng em.
Trần Hiền - Trung Hiếu
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!