Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp hiện đang được các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân triển khai thực hiện ở nhiều lĩnh vực, với những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cũng như giá trị trong sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống vận chuyển hoa hiện đại tại trang trại của Công ty Dalat Hasfarm (Lâm Đồng) giúp giải phóng sức lao động cho công nhân trong thu hoạch.

Mặc dù sản xuất nông nghiệp nước ta có nhiều thế mạnh để phát triển nhưng hiện nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Ở một số địa phương, giá trị sản xuất nông nghiệp còn thấp, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Hơn nữa, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tăng cũng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua. Vì vậy, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp đang trở nên cấp thiết, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm nông sản, bảo đảm thu nhập cho nhân dân.

Doanh nghiệp là nòng cốt

Để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, tỉnh Lâm Đông xác định doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng KHCN là điều kiện tiên quyết; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể.

Hiện nay, tại tỉnh Lâm Đồng đã quy hoạch và tập trung đầu tư để hình thành 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với quy mô diện tích khoảng 3.900 ha ở 12 huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đưa vào quy hoạch bổ sung một số khu nông nghiệp công nghệ cao tập trung để thu hút các nhà đầu tư theo mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành với diện tích 1.918 ha. Đến nay, đã có hai vùng được công nhận đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 308 ha (tại làng hoa Thái Phiên và làng hoa Vạn Thành, thành phố Đà Lạt).

Qua thực tiễn tại Lâm Đồng cho thấy, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đem lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường từ 30 đến 50%.

Trở lại trang trại Phong Thúy, chúng tôi ngỡ ngàng trước những công nghệ, thiết bị nông nghiệp đang được áp dụng tại đây.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty Trách nghiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại nông sản Phong Thúy tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) chia sẻ: “Từ ngày tỉnh triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đề án phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chúng tôi được chính quyền các cấp và ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi nguồn vốn, khoa học kỹ thuật; đi đào tạo, tập huấn nước ngoài, xúc tiến thương mại…”.

“Chính vì vậy, hầu như những công nghệ, kỹ thuật canh tác, sản xuất hiện đại của thế giới đã được áp dụng vào sản xuất tại trang trại của công ty. Đến nay, công ty đã phát triển quy mô sản xuất rau VietGAP hơn 130 ha, trong đó 80 ha liên kết ổn định với 30 nông hộ, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp tại nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh”, ông Phong cho biết thêm. Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của công ty là 50% ở siêu thị, cửa hàng, 30% tham gia chuỗi xuất khẩu toàn cầu; còn lại bán qua kênh chợ đầu mối.

Thời gian qua, Hà Nam đã và đang khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân áp dụng, sử dụng hệ thống mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm hướng đến một nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh, nâng giá trị sản phẩm.

Hiện nay, Công ty cổ phần sữa Hà Nam đang cung cấp ra thị trường các sản phẩm như sữa tươi thanh trùng, sữa chua, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm. Hiện công ty có ba sản phẩm sữa được tỉnh Hà Nam cấp chứng nhận OCOP bốn sao được dán tem, sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản. Nắm bắt điều này, công ty đã ứng dụng công nghệ quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc. Hiện tại, các quy trình sản xuất đều được công ty số hóa trên hệ thống phần mềm.

Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp -0

Dây chuyền sản xuất sữa tại Công ty cổ phần sữa Hà Nam. 

Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nam Trần Thị Thanh Thoan cho biết: “Nhờ công nghệ quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc, việc quản lý từ trang trại đến nông hộ được thuận tiện hơn. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ số trong bán hàng chúng tôi cũng dễ dàng giới thiệu quy trình sản xuất đến đối tác, người tiêu dùng. Từ đó, sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn sản phẩm nhiều hơn. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất không chỉ mang lại hiệu quả từ minh bạch thông tin sản phẩm còn giúp doanh nghiệp tiết giảm được thời gian và cũng dễ dàng quản lý kịp thời sản phẩm khi xảy ra lỗi”.

Đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, về cơ bản, tỉnh đã xây dựng được một nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Để tiếp tục phát triển tương xứng với tiềm năng, thời gian tới, Lâm Đồng sẽ triển khai nhiều giải pháp sát hợp để sớm trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Lâm Đồng, từ lâu, nhiều người đã biết đến Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp tổng hợp An Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, bởi sự năng động, nhạy bén khi ứng dụng KHCN vào sản xuất rau. Thành lập từ năm 2004, HTX hiện có gần 40 ha sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp 4.0.

Giám đốc HTX Lê Văn Ba cho biết: “Sản phẩm rau, củ, quả của HTX đều được sản xuất trên giá thể, trong nhà màng, nhà kính và bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến giúp người quản lý điều chỉnh được thời gian tưới, bón phân, giảm công lao động và thời gian chăm sóc”.

Tuy nhiên, hiện nay, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều địa phương chưa chủ động đầu vào thiết bị, vật tư để phát triển nông nghiệp thông minh; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên khó để triển khai áp dụng KHCN vào sản xuất; hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp có sự cải thiện nhưng còn thiếu đồng bộ; việc ứng dụng, chuyển giao KHCN ở một số vùng chưa theo kịp yêu cầu thực tế sản xuất; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, cũng như hoạt động sản xuất ứng dụng công nghệ cao hiện nay. Hơn nữa, một số người tiêu dùng cũng chưa có thói quen mua sản phẩm nông sản được truy xuất nguồn gốc, điều đó khiến cho việc ứng dụng công nghệ còn chậm.

Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, các địa phương cần quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng sử dụng lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo các vùng hàng hóa quy mô lớn; nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng công nghệ cao vào phát triển vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế của tỉnh gắn với sản xuất, chế biến an toàn theo chuỗi giá trị.

Đối với các địa phương đã thực hiện tốt việc áp dụng KHCN vào sản xuất cần tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được và định hướng phát triển trong thời gian tới, như tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và hữu cơ trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế; kêu gọi các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia đánh giá các mô hình thực tiễn và định hướng chiến lược cho giai đoạn tiếp theo; xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới