Nói đến dạy và học ở các điểm trường lẻ ở vùng cao, vùng biên giới là nghĩ ngay đến những gian khó, vất vả, đòi hỏi mỗi giáo viên nơi đây phải có tinh thần vượt khó, yêu nghề thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên những điểm trường xa xôi, khó khăn của xã Chiềng On (Yên Châu), các thầy, cô giáo vẫn miệt mài “gieo con chữ”, ươm những mầm xanh tương lai.
Giờ tập thể dục của cô và trò tại điểm trường bản Khuông (Trường mầm non Hoa Ban).
Từ trung tâm xã Chiềng On, vượt hơn 3 km đường đất cheo leo, chúng tôi đến điểm trường mầm non bản Khuông, thuộc Trường mầm non Hoa Ban. Điểm trường nằm trên một ngọn đồi cao, đón chúng tôi là cô giáo Sầm Thị Bích Vọng và Lường Thị Kim Dung. Các cô tâm sự: Trời nắng thì đi được xe máy, chứ trời mưa, chúng em phải đi từ 6 giờ sáng để xe ở ngoài đường và đi bộ vào để kịp giờ lên lớp.
Điểm trường mầm non bản Khuông có 2 lớp học, cơ sở vật chất còn khó khăn, các cô phải dạy học ghép một lớp 4-5 tuổi và một lớp mẫu giáo bé; trẻ ở đây 100% là dân tộc Sinh Mun. Ở lứa tuổi mầm non, khi mới đến trường, các em còn nhút nhát, chưa biết tiếng phổ thông, khi học trong môi trường nhóm, lớp lại có sự chênh lệch về sự hiểu biết, độ tuổi... Vì vậy, các cô phải tự học tiếng Sinh Mun, sau đó dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ, vừa nói tiếng phổ thông, vừa phiên âm ra tiếng Sinh Mun để giải thích cho trẻ hiểu, tập cho trẻ nói tiếng phổ thông từ những câu đơn giản nhất. Các cô cũng tự làm nhiều đồ dùng, đồ chơi, thiết bị cần thiết để phục vụ giảng dạy, đáp ứng các yêu cầu theo chương trình giáo dục mầm non mới.
Cô giáo Sầm Thị Bích Vọng dạy lớp mẫu giáo 4-5 tuổi, chia sẻ: Tôi chỉ có mong ước bình dị là các con được học tập trong ngôi trường với đầy đủ đồ chơi, trang thiết bị cần thiết và an toàn; các con được mặc đủ áo ấm mỗi khi trời mưa rét; được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ... Nhưng làm được điều đó ở nơi đây cũng là những cố gắng, nỗ lực hết mình.
Rời điểm trường bản Khuông, chúng tôi đến điểm trường tiểu học Đin Chí, thuộc Trường tiểu học Nà Cài, xã Chiềng On. Điểm trường có 5 lớp, từ lớp 1 đến lớp 5, với 85 học sinh dân tộc Mông, có 5 thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy. Mùa đông, thời tiết ở đây rất lạnh, mùa mưa thì đường sạt lở, các gia đình thường cho con nghỉ học ở nhà, khi đó các thầy, cô giáo phải đến tận nơi tuyên truyền, vận động bố mẹ cho các em trở lại trường học. Với cách làm đó, tỷ lệ huy động trẻ đến trường hàng năm đều đạt 100%.
Thầy giáo Lò Văn Vui, dạy lớp 5 luôn tận tâm với nghề, thương yêu, giúp đỡ học sinh; thầy cũng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Hơn 6 năm công tác, thầy đã dạy học ở các điểm trường vùng cao, như: Điểm trường Ôn Ốc, bản Giáo (Mường Lựm); điểm trường Keo Đồn và hiện đang dạy học ở điểm trường Đin Chí. Thầy Vui nói: Điểm trường còn thiếu đồ dùng, sách vở để học tập; nhiều em chưa biết hết tiếng phổ thông, dẫn đến việc tiếp thu bài học còn chậm, vì vậy tôi phân loại học sinh theo nhóm để có phương pháp dạy riêng; linh hoạt giảng bài và tìm thêm nhiều tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học để minh họa. Mỗi tuần, chúng tôi đều dành thời gian 2 buổi để bổ sung, củng cố kiến thức cho các em.
Ông Sồng Lao Dia, Chủ tịch UBND xã Chiềng On, cho biết: Trên địa bàn có 5 trường học tại trung tâm xã và 21 điểm trường lẻ gồm các lớp mầm non, tiểu học tại 11 bản. Những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, các điểm trường được quan tâm, đầu tư xây dựng nhà lớp học, hệ thống điện, đường, nước sinh hoạt. Do điều kiện kinh tế của nhiều phụ huynh còn khó khăn nên các thầy cô giáo phải thực sự tâm huyết, tận tâm bám lớp, bám trường, gần dân để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, các thầy cô giáo nơi vùng cao biên giới Chiềng On đã và đang vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, tất cả vì các em học sinh thân yêu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!