Buổi toạ đàm do Báo Tiền phong tổ chức ngày 08/4 với mong muốn thông tin sâu rộng tới bạn đọc, công chúng cả nước về cách nhìn nhận, đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng về vấn đề nổi cộm trong xã hội, từ đó, đưa ra những giải pháp để giảm thiểu, ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực học đường.
Tại buổi Tọa đàm, Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em, Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam nhận định, bắt nạt học đường, bạo lực học đường vốn là thực trạng tồn tại trong nhiều nhà trường thậm chí ở các quốc gia phát triển. Nhận thức của người dân, nhận thức xã hội tăng lên thì tố cáo cũng nhiều hơn. Trước đây, bạo lực ẩn giấu phía sau nhà trường, sau lớp học nhiều hơn. Giờ được hỗ trợ các phương tiện về công nghệ nên sẽ được đưa ra ánh sáng nhiều hơn.
Một vấn đề nữa là khi pháp luật quy định chặt chẽ hơn thì niềm tin của người dân cũng tăng lên từ đó, số cuộc gọi tố cáo xâm hại, bạo lực trẻ em tăng lên rất nhanh. “Trong thời gian tới phần chìm của tảng băng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em ngày càng lộ rõ”, ông Nam khẳng định.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam đặt vấn đề: ai là nạn nhân thực sự trong các vụ bạo lực học đường? Các em bị đánh đập là nạn nhân thì rõ rồi nhưng những học sinh khác có phải nạn nhân không? Bởi lỗi không hoàn toàn thuộc về các em, lỗi ở những người giáo dục, quản lý, chăm sóc các em để các em trở thành công dân tốt.
Đại tá Phạm Mạnh Thường, Phó cục trưởng Cục Hình sự, Bộ Công An thông tin, riêng thống kê của ngành Công an, trong quý 1 đã có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là học sinh ở lứa tuổi THCS và THPT.
Quang cảnh buổi Tọa đàm - Ảnh: Cẩm Linh
Theo Đại tá Thường, để xử lý bạo lực học đường đã có bộ luật hoàn chỉnh. Tuy nhiên, kỹ năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính các em học sinh là khâu quan trọng ví dụ như kĩ năng học sinh thông tin với cô giáo, với bạn bè…
Ở góc độ nhà quản lý giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch HĐQT Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, những học sinh tham gia đánh bạn chưa hiểu hết giá trị yêu thương, tôn trọng con người, thậm chí bị lệch lạc về tư tưởng, nhận thức. Các em coi việc lột đồ, làm nhục người khác là hả hê. Xã hội cần lên án mạnh mẽ những hành vi này.
“Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến kỹ năng mà chưa đề cập nhiều về giá trị sống. Tại sao một em lại bị đến 5 em đánh? Tại sao các em lại lột quần áo của bạn? Con người khi sống không có giá trị yêu thương và tôn trọng người khác là điều tối kỵ nhất”, TS Tùng Lâm nói đồng thời đưa ra giải pháp: cần tập trung và làm đồng bộ để nâng cao nhận thức về pháp luật, trách nhiệm của tất cả các tổ chức bảo vệ trẻ em. Không những chú trọng đến nhà trường mà phải chú trọng đến gia đình và cả địa phương. Khẩu hiệu của chúng ta, ngoài “môi trường xanh - sạch - đẹp” thì phải có khẩu hiệu ”Xã hội an toàn, không có bạo lực”. Về phía gia đình phải có cam kết, nhận thức đúng về giáo dục con cái. Các tổ chức phụ nữ, chính quyền địa phương phải có phương pháp, hướng dẫn để họ biết được cách giáo dục con cái, giành thời gian cho việc giáo dục con cái. Các thức giáo dục làm sao để học sinh nhận thức được giá trị sống, có kỹ năng sống.
Với cương vị là học trò, phụ huynh và giờ là làm công tác về trẻ em, Cục trưởng Cục bảo vệ trẻ em Đặng Hoa Nam, nêu quan điểm, trước hết, học sinh đến trường phải được học về pháp lý, bài học này là một phần của những bài học về công dân. Cần dạy bằng việc nêu gương, dạy biết sợ, tôn trọng pháp luật. Ở TP Hồ Chí Minh có có các buổi học thú vị, thông qua trải nghiệm. Thứ hai, học sinh cần dạy về đạo lý. Những giá trị đạo đức văn minh hiện nay chưa được xác lập mà ví dụ điển hình là vụ dâm ô học sinh mà chỉ phạt 200 nghìn. Chúng ta cần phải có những bài học tôn vinh cái đẹp, lòng nhân ái. Thứ ba, trẻ đến trường phải được chăm sóc tâm lý. Vấn đề quan trọng nhất là vấn đề tham vấn học đường. Giáo viên cần phải nắm được tâm lý, xung đột của học sinh với học sinh thông qua quá trình tham vấn. Điều này phải được đẩy mạnh hơn nữa trong nhà trường. Làm sao trong thời gian tới, tổng phụ trách của các trường phải làm cán bộ tham vấn học đường. Cuối cùng, chúng ta phải sử dụng kỉ luật tích cực là kỉ luật không bạo lực, kỉ luật không nước mắt.../.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!