Nâng cao kỹ năng sơ cấp cứu, ứng phó với các tình huống tai nạn khẩn cấp

Sơ cấp cứu ban đầu giúp giảm thiểu mức độ nghiêm trọng do chấn thương, tai nạn gây ra, hạn chế tỷ lệ tử vong, thương tật cho người bị nạn..., vì vậy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh luôn chú trọng tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sơ cấp cứu và khả năng ứng phó với các tình huống tai nạn khẩn cấp cho hội viên nhằm giảm thiểu rủi ro, biến chứng và thương vong cho người bị nạn.

 

Tập huấn viên Hội Chữ thập đỏ hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu hóc dị vật đường thở.

Bà Cầm Thị Chuyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thông tin: Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Vì vậy, thời gian qua, Hội đã tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn, thực hành về công tác sơ cấp cứu tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, sơ cấp cứu ban đầu cho hội viên, tình nguyện viên. Toàn tỉnh có 286 Hội Chữ thập đỏ cơ sở xã, phường, thị trấn và tương đương với 178.404 hội viên; có 124 đội tình nguyện viên Chữ thập đỏ với 4.624 tình nguyện viên. Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ được cấp chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cấp 1.

Từ đầu năm đến nay, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn chuyên đề về sơ cấp cứu với gần 80 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên thuộc các cấp hội từ tỉnh đến xã, bản tham gia. Sau khi tập huấn, các học viên được trang bị những kiến thức cơ bản, có điều kiện thực hành các thao tác xử lý tình huống, các bước sơ cấp cứu và sử dụng các thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ cho công tác sơ cấp cứu tại cộng đồng.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh, cán bộ Hội Chữ thập đỏ Thành phố, cho biết: Sau khi được tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu, chúng tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sơ cấp cứu ban đầu cho người bị nạn; thành thạo các kỹ năng, về kỹ thuật di chuyển nạn nhân khẩn cấp; sơ cứu dị vật, tắc đường thở; sơ cứu ngừng thở, ngừng tim; sơ cứu chảy máu sốc; sơ cứu gãy xương, bỏng; điện giật, đuối nước... từ đó, có ứng cứu kịp thời khi gặp tình huống xảy ra, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương cho người bị nạn.

Mỗi lớp tập huấn được tổ chức từ 3 đến 5 ngày; các kỹ năng sơ cứu đòi hỏi chính xác với nhiều phương pháp khác nhau nên đòi hỏi sự tập trung cao; thực hành thường xuyên, thành thạo. Đơn cử, như việc sơ cứu tắc đường thở, đây là một trong những tình huống nguy hiểm đe dọa tính mạng, nhưng lại có nhiều loại kỹ thuật khác nhau có thể áp dụng để sơ cứu cho người bị nạn. Tùy theo lứa tuổi, tùy loại dị vật có thể là chất rắn, lỏng thông thường xâm nhập vào đường hô hấp qua mũi, qua miệng rơi xuống từ thanh quản đến phế quản khiến bệnh nhân bị giảm hoặc tắc nghẽn đường thở. Lúc này cần nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành thủ thuật, áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực; nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức 5 cái, đối với trẻ con thì lực nhẹ hơn, người lớn thì lực mạnh hơn; nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, tiếp tục vỗ lưng, luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở...

Hội Chữ thập đỏ tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn, huấn luyện sơ cấp cứu nâng cao cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên đã hoàn thành khóa cấp I với những kỹ thuật sơ cấp cứu phức tạp như kỹ thuật xử lý tổn thương cột sống, xử lý chấn thương sọ não hay tổn thương vùng bụng, vùng ngực.... mục tiêu chuẩn hóa công tác huấn luyện, đào tạo sơ cấp cứu, góp phần phổ biến kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho cộng đồng, để người dân có thể tự cứu mình và hỗ trợ người khác trong những trường hợp khẩn cấp.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới