Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Tây Bắc, năm 1993, chị Cà Thị Hoan được tuyển dụng làm biên tập viên chương trình văn nghệ tiếng Thái. Gắn bó với nghề báo, đam mê và nỗ lực đảm nhận tốt nhất công việc được giao và trưởng thành với cương vị Trưởng phòng Tiếng dân tộc Đài Phát thanh - Truyền hình Sơn La.
Chị Cà Thị Hoan trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp.
Gần 30 năm gắn bó với nghề làm báo, chị luôn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa ngôn ngữ, sáng tác văn học nghệ thuật để đem đến khán giả những tác phẩm có giá trị. Chị trăn trở về văn hóa dân tộc Thái đang dần mai một, bởi lớp trẻ hiện nay nói và viết tiếng dân tộc không nhiều, sáng tác về tiếng mẹ đẻ lại càng hiếm. Do vậy, chị đã sử dụng tiếng nói, chữ viết và trực tiếp sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ mang ý nghĩa nghệ thuật và tính nhân văn sâu sắc để quảng bá, tuyên truyền, tham dự các cuộc thi do tỉnh, Trung ương tổ chức. Đến nay, chị đã đạt được trên 30 giải thưởng về văn học và báo chí tại cuộc thi các cấp.
Với hơn 200 tác phẩm bao gồm thơ, kịch tấu, nhạc, họa, truyện ngắn tiểu phẩm và những bài báo phản ánh chân thực hơi thở cuộc sống; sưu tầm biên dịch hơn 100 tác phẩm văn hóa cổ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái đã đăng trên các báo, phát trên sóng phát thanh, truyền hình tỉnh. Chị còn tham dự các cuộc vận động sáng tác bằng những bài thơ song ngữ, những vở kịch, hoặc bài báo. Trong các cuộc vận động, cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật tỉnh Sơn La, với chủ đề viết về gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với chùm thơ “Trọn đời vì dân”; “Như nguồn nước trong”; “Suốt đời học theo Bác” và “Mãi tỏa sáng ánh hào quang” của chị đã đạt giải A cấp tỉnh, giải C toàn quốc. Ngoài ra, tác phẩm “Đem con đi gán nợ” đạt giải A cuộc thi Liên hoan PT-TH toàn tỉnh, giải A tác phẩm báo chí chất lượng cao...
Ngoài là biên tập viên, cán bộ quản lý phòng của Đài PT-TH Sơn La, hiện chị Hoan còn là Ủy viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Sơn La; Chi hội phó Chi hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Sơn La, chị đang tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, để phát huy tiếng nói chữ viết dân tộc thiểu số, để làn điệu dân ca thái được bảo tồn trong nền văn học chung.
Giang Kim Phượng (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!